Dự và chủ trì cuộc gặp gỡ có ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) - bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo đã thông tin khái quát về nội dung chương trình và công tác chuẩn bị Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực tế hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực hiện nhiệm vụ đó và chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia "Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Về quy mô, tính chất của Hội thảo, trên cơ sở Kế hoạch số 204-KH/BTGTW ngày 7/10/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quyết định tổ chức hội thảo quy mô quốc gia. Về thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức, dự kiến Hội thảo diễn ra trong một ngày, vào ngày 29/11/2022.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong và trực tuyến kết nối với các điểm cầu ở Huế và TP Hồ Chí Minh. Dự kiến ở điểm cầu Hà Nội, có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu, và tại Huế có khoảng 100 đại biểu, TP Hồ Chí Minh là khoảng 150 đại biểu.
Về mục tiêu, Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ và quần chúng nhân dân trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện hệ giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng hệ giá trị và từng giá trị cụ thể để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Dự kiến, thừa ủy quyền và phân công của Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự, chủ trì và chỉ đạo Hội thảo. Cùng tham gia chủ trì, có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan như Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Hội thảo có 2 phiên thảo luận: "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới".
Trong khuôn khổ Hội thảo, Thư viện Quốc gia đã tổ chức triển lãm sách và tài liệu với chủ đề "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" trong khuôn viên địa điểm tổ chức Hội thảo.
Về công tác chuẩn bị cho hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, Ban Tổ chức đã gửi thư mời đến 120 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 90 tham luận và tổ chức thẩm định, tập hợp trong kỷ yếu hội thảo 79 tham luận.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, nhìn chung hàm lượng khoa học và chất lượng thực tiễn của các tham luận khá cao. Nội dung các tham luận tập trung xoay quanh bốn hệ giá trị và vấn đề chung. Các tham luận cũng làm nổi bật các nội dung chi tiết của hệ giá trị quốc gia, như hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc; hệ giá trị gia đình là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; hệ giá trị văn hóa là dân tộc, dân chủ nhân dân và khoa học; hệ giá trị con người là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Công việc tuyên truyền cho Hội thảo cũng đã được tổ chức khẩn trương. Báo chí có sự chủ động tìm hiểu và tích cực thông tin về các thông tin xung quanh Hội thảo và kết quả 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Cho biết thêm về lý do tổ chức Hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo chính là đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan với các vấn đề thời sự đang đặt ra về văn hóa, văn học, nghệ thuật, cùng các vấn đề về giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, tồn tại trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sẽ được bảo tồn và phát huy như thế nào trong thời kỳ mới. Thông qua Hội thảo, "hình hài" của các hệ giá trị sẽ được làm rõ, để trên cơ sở đó xác định được các nội dung, giải pháp triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Trong khi đó, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhận định, Hội thảo quốc gia là hoạt động rất quan trọng để thu nhặt những "viên ngọc" hoàn thiện 4 hệ giá trị. Cũng theo ông Lê Hải Bình, Hội thảo quốc gia sắp tới chỉ là một phần trong việc hoàn thiện 4 hệ giá trị, cùng với rất nhiều hoạt động khác như nghiên cứu các đề tài khoa học lớn để hình thành thêm các luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức