Trong năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bộ GD&ĐT cũng chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thi các cấp. Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi.
Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, kỳ thi thành công một cách toàn diện, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, phù hợp thực tế công tác giáo dục phổ thông trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất sâu sắc của dịch bệnh. Đây cũng là một kỳ thi được tổ chức mang tính nhân văn cao, mang tính giáo dục, tính khoa học và phù hợp với lộ trình đổi mới GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022.
Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng đánh giá, kỳ thi đã từng bước hướng đến đổi mới, với mục tiêu định hướng cho người học phát triển năng lực, phẩm chất và sự sáng tạo. Đổi mới dễ nhận thấy nhất là ở phương diện công nghệ, kỹ thuật và chuyển đổi số, học sinh được đăng ký dự thi trực tuyến.
Với công tác ra đề ở một số môn có bước đổi mới, từ đội ngũ nhân lực làm đề thi, đến các yêu cầu của đề thi. Đặc biệt, ở hai môn Ngữ văn, Lịch sử có một số điều chỉnh theo hướng phát huy sự sáng tạo ở thí sinh hơn. Một định hướng nữa được đặt ra và cần có lộ trình, tránh gây “sốc” cho dạy và học, đó là đề thi chú ý đến những phương diện mà người học cần tăng cường sử dụng thiết bị và yếu tố trải nghiệm. Điều này sẽ dần dần khiến nhà trường phải tăng cường thiết bị dạy học, thầy và trò giảm dần yếu tố dạy chay và học chay.
Về kỳ thi sắp tới, năm 2023 và năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ GD&ĐT là thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng. Song song, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, Bộ trưởng cho biết một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Theo TTXVN/Báo Tin tức