(NTO) Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định thế giới đầu tư thêm 40 tỷ USD hàng năm vào lâm nghiệp có thể làm giảm 50% tỷ lệ mất rừng trên toàn cầu vào năm 2030, tăng tốc độ trồng rừng lên 140% vào năm 2050, tạo thêm từ 25 triệu việc làm mới hiện nay lên 30 triệu việc làm mới vào năm 2050 và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ giảm được thêm 28% lượng khí CO2 thải vào khí quyển.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), Nghiên cứu “Rừng trong nền kinh tế xanh (WED)” được UNEP công bố ngày 6-6 nhấn mạnh số đầu tư bổ sung 40 tỷ USD chỉ chiếm chưa đầy 0,034% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên phạm vi toàn cầu, nhưng đem lại cho nhân loại những lợi ích kinh tế và nhân văn khổng lồ. Nguồn vốn tự nhiên rừng có thể chiếm tới 90% GDP ở khu vực nông thôn. Phó Tổng Thư ký LHQ và Giám đốc điều hành UNEP0 A-chim Stê-nơ (Achim Steiner) lưu ý rằng sáng kiến “Kinh tế xanh” coi lâm nghiệp là một trong 10 lĩnh vực kinh tế trung tâm có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hiệu quả sử dụng năng lượng cao và tạo nhiều việc làm mới trong tương lai gần nếu các nước tăng đầu tư và thực hiện các chính sách nhìn xa trông rộng khác.
Nghiên cứu mới của UNEP nhấn mạnh nguồn tri thức, tầm nhìn, các điều kiện khả thi và các nguồn đầu tư mới là những nền tảng cần thiết để nhân rộng lợi ích của rừng trong nền kinh tế xanh thông qua các mô hình kinh tế mới. Các chính phủ cần thúc đẩy các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo thu hút các nguồn đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân vào lâm nghiệp. Giá trị các dịch vụ từ rừng không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển. Đơn cử như tại Canađa, giá trị các dịch vụ từ rừng đạt tới 90 tỷ USD hàng năm.
Nghiên cứu của UNEP cũng ghi nhận những tín hiệu đáng khích lệ trong tiến trình phát triển lâm nghiệp toàn cầu, theo đó diện tích rừng bị mất hàng năm đã giảm từ 8 triệu hécta năm 1990 xuống 5 triệu hécta năm 2010. Diện tích rừng trồng đã tăng từ 3,6 triệu hécta năm 1990 lên 5 triệu héc-ta năm 2010. Diện tích rừng ở châu Á, châu Âu và khu vực Ca-ri-bê đã tăng nhanh trong 20 năm qua.