Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp

Ngày 11-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp (DN), chủ đề: “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, DN trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh ta, các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ngành và một số DN tham dự.

Từ đầu năm đến nay, với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, những tồn tại, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó hỗ trợ tích cực cho DN phục hồi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trong 7 tháng năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Tính đến hết tháng 7, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 340.000 người lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5.000 người lao động quay trở lại làm việc. Từ đầu năm đến nay, có 130.000 DN gia nhập và quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đang hoạt động trên cả nước lên 871.275 DN; nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh.

Các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Hội nghị đã đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN trong thời gian tới. Trong đó, có 4 nhóm giải pháp ngắn hạn như: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ, đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tính dài hạn như: Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ tối đa cho DN phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN. Tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của DN để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Nỗ lực cao và cần bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ DN chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới.