Học tập và làm theo Bác bằng những việc cụ thể, thiết thực

Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua, nhiệm vụ chuyên môn, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực, qua đó tạo tác động tích cực, sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.

Để việc học tập và làm theo Bác được triển khai hiệu quả, đi đôi với phát động, triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”..., cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn HS thi đua thực hiện tốt “5 Điều Bác Hồ dạy”, triển khai hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài, các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Kế hoạch nhỏ”, “Nuôi heo đất” giúp bạn nghèo... Từ việc “Nuôi heo đất”, trong năm học 2020-2021, Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã tiết kiệm được 55 triệu đồng, Trường Tiểu học Bình Quý (Ninh Phước) tiết kiệm được gần 28,5 triệu đồng, Trường THPT Nguyễn Du (Ninh Sơn) tiết kiệm được 8,2 triệu đồng... Việc “Nuôi heo đất” không chỉ giúp HS các trường rèn luyện lối sống tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, mà còn tạo nguồn kinh phí trao tặng quà, học bổng giúp HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường học tập để thay đổi cuộc đời.

Ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bên cạnh những mô hình, hoạt động quen thuộc như: “Hũ gạo tình thương”, “Tiết kiệm mùa xuân”, “Nuôi heo đất”, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội còn phát động triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân và phân công cán bộ hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Từ khi phát động chương trình đến quý I-2022, toàn Hội đã nhận đỡ đầu 17 trẻ mồ côi cha, mẹ do tác động của dịch COVID-19; đã thăm và tặng quà cho các em với tổng số tiền trên 185 triệu đồng và 1 chiếc xe đạp, 1 thẻ bảo hiểm y tế. Việc phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là sự quan tâm, động viên, giúp đỡ về vật chất, mà còn là sự đóng góp của phụ nữ trong việc từng bước xóa đi những “vết hằn” tâm lý, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát do dịch COVID-19 gây ra cho trẻ em; góp phần cùng các mô hình, hoạt động khác của Hội nhân lên lòng nhân ái, làm sáng đẹp 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng.

Đối với đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà, việc học tập và làm theo Bác thể hiện ở tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, vì cuộc sống cộng đồng, vì đàn em thân yêu theo lời dạy của Bác: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Trong quý I-2022, nhất là Tháng Thanh niên năm 2022, cùng với công tác tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Đoàn; tuyên truyền, vận động Nhân dân tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện 6 công trình thanh niên cấp huyện trị giá 220 triệu đồng; 150 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở trị giá trên 430 triệu đồng; sửa chữa, làm mới 1,5 km và thắp sáng 4,7 km đường giao thông nông thôn trị giá 70 triệu đồng... Đoàn các cấp tổ chức thăm hỏi, trao tặng hơn 16.000 suất quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, HS có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia hiến được 338 đơn vị máu... Nhiều cơ sở đoàn tiếp tục duy trì hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như Đoàn Thanh niên Công an tỉnh triển khai mô hình “Tuổi trẻ Công an Ninh Thuận hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường”, trong 3 năm qua đã nhận đỡ đầu, chăm sóc thường xuyên cho 52 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 374 triệu đồng; đồng thời, hỗ trợ đồ dùng học tập, đồng phục, xe đạp, học bổng, xe đạp... cho HS nghèo vượt khó với kinh phí gần 300 triệu đồng.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Quý (Ninh Phước) “Nuôi heo đất” giúp bạn nghèo.

Học tập và làm theo Bác, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, có lợi cho dân. Nổi bật là tập trung rà soát, chỉ đạo triển khai các giải pháp đột phá về công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển KT-XH. Hiện nay, tất cả các thủ tục có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp được áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trên lĩnh vực an sinh xã hội, phong trào “Hiến máu tình nguyện” giai đoạn 2017-2022 tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, thu hút 36.676 lượt người tham gia hiến được 29.603 đơn vị máu (trong đó, có 27.405 đơn vị máu 250 ml và 2.198 đơn vị máu 350 ml). Giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp”, vươn lên trong cuộc sống, trong năm 2021, cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng tích cực đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền trên 16,1 tỷ đồng, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa 10 nhà và xây mới 222 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, cận nghèo và những hộ thật sự khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, thông qua kênh Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã ủng hộ tiền mặt, hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng trị giá đến nay trên 80 tỷ đồng...

Những việc làm thiết thực, cụ thể nói trên cho thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.