Nội dung cụ thể như sau:
Mục đích của Kế hoạch là nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHTN; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Huy động sức mạnh của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh nhằm phát triển bền vững số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm thất nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương giao).
Về yêu cầu: Xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp để tăng số người tham gia BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh.
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải xác định rõ nhiệm vụ và có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp với lộ trình phù hợp, phấn đấu đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác BHXH, BHTN theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.
Công tác triển khai phải bảo đảm nghiêm túc, tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố với cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách, chế độ về BHXH, BHTN để nhân dân, doanh nghiệp thấy rõ vai trò, ý nghĩa của về BHXH, BHTN trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia BHXH, BHTN.
Chính quyền, cơ quan Bảo hiểm xã hội và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN; quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHTN.
Mục tiêu chung: Thực hiện hiệu quả các chính sách BHXH, BHTN; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mục tiêu cụ thể:
- Năm 2022 (thực hiện theo Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) giao:
+ Phấn đấu đạt khoảng 37% -38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội;
+ Khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.
- Đến năm 2025 (thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW) giao:
+ Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội;
+ Khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.
Về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:
1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHTN:
Các cấp, các ngành có trách nhiệm quan tâm, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính sách BHXH, BHTN nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, BHTN; trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia và thực hiện chính sách BHXH, BHTN từ đó chủ động tìm hiểu, tự giác tham gia BHXH, BHTN.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng nhất là nông dân, lao động làm việc tại khu vực phi chính thức (các làng nghề, tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, người buôn bán nhỏ lẻ,..); chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Nhân viên Đại lý thu bảo hiểm xã hội phải bám sát cơ sở, “đi từng ngõ, vào từng nhà, rà từng trường hợp”; làm rõ tính cần thiết và lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, BHTN; kiên trì vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thay đổi về chính sách BHXH đến người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn và từng thời điểm: Xây dựng cụm panô, áp phích, phát hành tờ rơi; tuyên truyền trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở (đài truyền thanh, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở, bảng tin công cộng); tuyên truyền trên mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số, kết hợp giữa tuyên truyền của người có uy tín với các sản phẩm truyền thông, video, clip,...; chú trọng tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại với người sử dụng lao động và người lao động đảm bảo phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Kịp thời biểu dương các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHTN. Đồng thời phê phán những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Xác định, phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHTN:
Tiếp tục duy trì bền vững các nhóm đối tượng đã tham gia BHXH, BHTN.
Phân tích, xác định, phân loại từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn tại các xã, phường và triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng, cụ thể:
+ Nhóm tham gia BHXH, BHTN trong các đơn vị, doanh nghiệp: Tăng cường các biện pháp bắt buộc, thanh tra, kiểm tra, rà soát các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia và đã tham gia BHXH nhưng chưa tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động, yêu cầu người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHTN cho 100% người lao động theo quy định của pháp luật.
+ Nhóm tham gia BHXH tự nguyện: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên, cán bộ không chuyên trách cấp xã, đảng viên gương mẫu tham gia và vận động gia đình tham gia Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, BHTN:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHTN tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đôn đốc, yêu cầu người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHTN đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính hành vi trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm căn cứ để xử lý hình sự theo quy định của Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thường xuyên phối hợp kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp và lao động giữa các Sở, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHTN và thực thi chính sách, pháp luật BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHTN. Chú trọng cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN.
Về tổ chức thực hiện: Kế hoạch của UBND tỉnh giao
1. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về chính sách BHXH, BHTN; tăng cường tuyên truyền về tình hình thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tổ chức các Hội nghị tọa đàm, đối thoại với người sử dụng lao động và người lao động.
Hàng năm chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng chỉ tiêu kinh tế-xã hội về BHXH, BHTN trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ số người tham gia BHXH, BHTN.
Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát, cập nhật danh sách các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH chưa đầy đủ cho người lao động để tập trung phát triển, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Phân tích, xác định, phân loại từng nhóm đối tượng; nắm rõ số lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và lao động trong khu vực phi chính thức trên địa bàn. Xây dựng, triển khai các giải pháp tăng số người tham gia BHXH, BHTN phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Tăng cường phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính hành vi trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm căn cứ để xử lý hình sự theo quy định của Điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để hướng dẫn, giải quyết đảm bảo quyền lợi các chế độ BHXH, BHTN kịp thời, đúng quy định của người tham gia BHXH, BHTN.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Sở, ngành; triển khai cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số cho 100% người tham gia BHXH, BHTN.
2. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện Quyết định số 294/QĐ-LĐTBXH ngày 03/3/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền Bảo hiểm xã hội đến năm 2025. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, lợi ích, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHTN; tập trung tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHTN của người lao động và người sử dụng lao động từ đó thay đổi nhận thức và hành động, tự giác tuân thủ pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc giải quyết chính sách Bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành liên quan nắm rõ số lao động đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để tuyên truyền vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị chưa tham gia Bảo hiểm xã hội hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ cho người lao động theo đúng các quy định của pháp luật.
Tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Tổ công tác liên ngành.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Định kỳ hằng quý, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh để làm cơ sở triển khai phát triển số người tham gia BHXH, BHTN.
Chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh và các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN hàng năm vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đóc thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
4. Sở Tư Pháp:
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHXH trong các nội dung liên quan đến nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý hằng năm của ngành; tuyên truyền sâu rộng chính sách về BHXH để các nhóm đối tượng hiểu đầy đủ quyền lợi và lợi ích hợp pháp khi tham BHXH.
5. Cục Thuế tỉnh:
Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại tổ chức trả thu nhập, Cục Thuế tổng hợp, lập biểu về kết quả thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, ghi nhận việc trích và khấu trừ các khoản đóng BHXH tại tổ chức chi trả thu nhập qua thanh tra, kiểm tra theo phụ lục số 03/BHXH-TCT ban hành kèm theo Quy chế chia sẽ dữ liệu và phối hợp công tác số 1999/QCPH-BHXH-TCT ngày 09/7/2021 và truyền dữ liệu cho Bảo hiểm xã hội tỉnh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Hướng dẫn các Cơ quan báo chí địa phương, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đăng tin tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN thông qua hệ thống Công đoàn cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ý thức tự giác chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHTN của doanh nghiệp và đoàn viên công đoàn, người lao động. Đặc biệt tuyên truyền để đoàn viên công đoàn hiểu rõ việc người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định là vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và sẽ bị xử phạt theo Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lao động, Bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chỉ đạo Công đoàn cơ sở nhất là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động về thực hiện hợp đồng lao động, BHXH, BHTN, công đoàn.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tham gia kiểm tra, thanh tra liên ngành trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động và khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động không thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể:
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh phát động phong trào, vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm xã hội.
Giám sát, phản ánh ý kiến cử tri và nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
9. Sở Công Thương:
Phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHTN cho người sử dụng lao động và người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật lao động của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp.
10. Ban quản lý các khu công nghiệp:
Phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm xã hội và các ngành có liên quan tuyên truyền pháp luật về BHXN, BHTN cho người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực quản lý.
Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật lao động cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.
11. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh:
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các Sở, ngành liên quan xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chính sách bảo hiểm xã hội để tuyên truyền đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội, trả lời hộp thư truyền hình, xây dựng các chuyên đề về bảo hiểm xã hội,...
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Xây dựng Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH, BHTN giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn.
Đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN (đặc biệt là BHXH tự nguyện) vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN đến cấp xã; xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Xác định kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH là một chỉ tiêu đánh giá nhiệm vụ chính trị tại địa phương là căn cứ để xét thi đua thưởng đổi với tổ chức, cá nhân người đứng đầu.
Thành lập, kiện toàn tổ công tác liên ngành.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN trên địa bàn.
Chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH không đầy đủ cho người lao động để yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH theo đúng các quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính hành vi không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
Đôn đốc, yêu cầu các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa tham gia BHXH, phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN; tham gia BHXH, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật.
13. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh:
Chỉ đạo bộ phận nhân sự rà soát người quản lý, người lao động của đơn vị mình thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHTN nhưng chưa thực hiện, phối hợp với Bảo hiểm xã hội để thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật.
Chấp hành nghiêm túc pháp luật hiện hành về BHXH, BHTN; có trách nhiệm tự khai và trích nộp BHXH, BHTN đầy đủ, kịp thời cho người lao động.
Đối với đơn vị sử dụng lao động còn nợ BHXH, BHTN, yêu cầu thực hiện ngay việc đóng bảo hiểm xã hội, dứt điểm tình trạng nợ đọng kéo dài. Đối với các đơn vị có khó khăn về tài chính thì thỏa thuận với Cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định lộ trình khắc phục nợ.
PHỤ LỤC
Xác định chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN tại tỉnh Ninh Thuận giai đoạn năm 2022 – 2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số /KH-UBND ngày /4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
* Từ phân tích như trên, kết quả thực hiện phát triển người tham gia BHXH, BHTN tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 (tính cả lao động người Ninh Thuận làm việc doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh):
+ Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia Bảo hiểm xã hội ước khoảng 45%/45%; phấn đấu đạt 100% so với chỉ tiêu giao đến năm 2025.
+Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp ước khoảng 35%/35%; phấn đấu đạt 100% so với chỉ tiêu giao đến năm 2025.
NT