Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025: Giá trị TTKDTM gấp 20 lần GRDP của tỉnh; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 1.000 điểm.
Nhân viên VNPT hướng dẫn khách hàng sử dụng VNPT Money để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Văn Nỷ
Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 35-40%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%.
Từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu thực hiện đến năm 2025 gồm: Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; Phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM.
T.D