Đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn thanh niên năm 2022 với chủ đề: "Đào tạo nghề cho thanh niên". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cùng dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên, các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội trẻ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, các đoàn viên, thanh niên đạt nhiều thành tích trên lĩnh vực học tập, rèn luyện, lao động, khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất ổn khó lường, khó dự báo ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các thách thức đó đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID - 19 và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể coi đây là "thử thách kép" đối với thị trường lao động toàn cầu: vừa gây đứt gãy thị trường lao động trẻ, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và đào tạo nghề nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.

"Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn. Do vậy, dù là trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến 'nguy' thành 'cơ' để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID - 19 và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách, kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Các ý kiến cũng khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất, hăng hái tiên phong, cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đề cao vai trò, vị trí của thanh niên. Nhận thức vấn đề quan trọng đó, trong những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc.

Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều chương trình, đề án, tạo cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy sức trẻ, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học trung cấp, cao đẳng, chủ yếu là đối tượng thanh niên. Lao động qua đào nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng, giai đoạn 2011 - 2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Cụ thể, tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên; một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự diễn đàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt, giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề nghị các bạn thanh niên không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, công tác, phát huy sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết thanh xuân, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, ngày càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại "đâu cần thanh niên có, việc gì khó đến thanh niên", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Theo TTXVN/Báo Tin tức