Tại Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức ngày 26/3, các đại biểu đều cho rằng, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương luôn là một tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, trong sáng.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Người Cộng sản chân chính
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đồng chí Lê Văn Lương đã có những cống hiến to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta tấm gương mẫu mực của người cộng sản chân chính.
Đồng chí là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dù bị đày ải trong chốn lao tù của đế quốc hay trên mỗi bước đường hoạt động cách mạng.
Đồng chí từng chỉ rõ: “Mục đích của Đảng ta là mưu lợi cho quần chúng nhân dân. Lợi ích của quần chúng nhân dân tức là lợi ích của Đảng. Ngoài lợi ích của quần chúng nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên là hết lòng phụng sự lợi ích của quần chúng nhân dân, lợi ích của Đảng”. Tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân của đồng chí còn thể hiện ở tinh thần làm việc. Sự tận tụy cống hiến không ngừng nghỉ, cho tới cả sau khi nghỉ hưu, đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Dù tuổi cao, sức yếu, song nhiệt huyết cách mạng của đồng chí vẫn căng tràn, thôi thúc và có nhiều ý kiến quý báu đóng góp vào dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), vào việc nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn chấp hành sự phân công, điều động của Đảng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, không màng danh lợi... Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, ở đồng chí Lê Văn Lương, điều dễ nhận thấy là sự gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống, hòa mình với quần chúng, thương yêu đồng chí, đồng bào, quan tâm chăm lo tới cuộc sống của nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Đồng chí là tấm gương về phong cách làm việc dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, luôn bình tĩnh, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sâu sát cơ sở, gắn liền lý luận với thực tiễn.
Đánh giá về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, trong lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc lại lễ tang đồng chí Lê Văn Lương, ngày 5/5/1995, Đảng ta khẳng định: “Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương hay ở cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, ở đâu đồng chí cũng nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Bao giờ đồng chí cũng đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết” .
Không ngừng nâng cao trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng tín nhiệm phân công đảm nhiệm chức vụ Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Trên cương vị này, đồng chí luôn tận tụy, hết sức mình, có trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc và có những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Trong thời kỳ kháng chiến, Trường được xây dựng giữa vùng rừng núi thuộc căn cứ địa Việt Bắc, địa phận xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trên cương vị Giám đốc, đồng chí Lê Văn Lương luôn quan tâm, sát sao, động viên toàn thể cán bộ nhân viên và học viên nhà trường khắc phục mọi khó khăn, chịu đựng gian khổ, xây dựng, phát triển cơ sở của trường và thực hiện dạy tốt, học tốt. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Lương, ngay trong năm đầu tiên thành lập, trường mở hai khóa học; khóa I có 40 học viên; khóa II có 175 học viên.
Ngay từ những khóa học đầu tiên này, bên cạnh việc thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý nhà trường, trên cương vị Giám đốc, đồng chí Lê Văn Lương còn trực tiếp đến giảng bài, giải đáp những vấn đề về đường lối của Đảng, về lịch sử, kinh nghiệm và lý luận cách mạng Việt Nam cho các học viên.
Ngoài những lớp huấn luyện lý luận chính trị, lớp chỉnh huấn, theo chỉ thị của Trung ương và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của thực tiễn, đồng chí Lê Văn Lương cũng chỉ đạo Trường mở một số lớp bồi dưỡng về chính sách cụ thể và công tác trước mắt như: Lớp giảng viên chuyên nghiệp của tỉnh, lớp thu hồi thành thị.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định, trong những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương đối với Đảng và cách mạng Việt Nam có những hoạt động và đóng góp quan trọng của đồng chí trên cương vị Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc. Trong suốt hơn 70 năm xây dựng và phát triển, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đất nước, noi theo tấm gương đồng chí Lê Văn Lương, với trí tuệ và niềm say mê không ngừng nghiên cứu lý luận chính trị, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, các thế hệ lãnh đạo cũng như cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh luôn chung sức, đồng lòng xây dựng Học viện phát triển về mọi mặt. Từ đó, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức