Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, cả nước còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện còn 94 DNNN quy mô lớn, chiếm hơn 10% về số lượng, nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hoá bán được là 22.748 tỷ đồng; đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Như vậy, tiến trình cổ phần hoá chậm, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chưa đạt được kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa bảo đảm tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.
Về chỉ tiêu chủ yếu cơ cấu lại DNNN đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 48.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Tại tỉnh ta, thực hiện chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đã được cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình và kế hoạch. Đến nay đã sắp xếp, đổi mới 23 doanh nghiệp, còn 6 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó 4 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 2 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau khi cơ cấu lại đã hoạt động hiệu quả hơn, trình độ quản lý và kỹ năng kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng một số địa phương đã phát biểu tham luận, nêu những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự đóng góp tích cực của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, tuy nhiên kết quả hoạt động của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ; xác đinh DNNN là một lực lượng quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, trong đó tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực. Phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong hỗ trợ, khuyến khích DNNN phát triển; tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.
Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Tuấn