Giá dầu thế giới khép phiên ngày 8/3 với mức tăng 4%. Tới chiều 9/3, giá dầu ở châu Á vẫn giữ ở mức cao, trong khi giá xăng dầu tại Mỹ đã lên mức kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá sẽ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ.
Những phản ứng đầu tiên của thị trường năng lượng thế giới phần nào cho thấy mối lo ngại của các chuyên gia, rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn, là có cơ sở.
Bảng giá xăng dầu tại một trạm bán xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 8/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trên thực tế, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine ngày 24/2, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt - đáp trả của Mỹ và phương Tây với Moskva, giá dầu thế giới đã tăng hơn 30%. Bởi vây, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào ngành năng lượng - vốn là “trái tim” của nền kinh tế Nga - được đánh giá sẽ tạo ra nhiều rủi ro, mặc dù dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào Mỹ.
Tác động thấy rõ nhất là lệnh cấm nhập khẩu trên có thể khiến giá dầu tại Mỹ và thế giới vốn đã cao ngất ngưởng tiếp tục đà đi lên. Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga đồng nghĩa là tự cắt đi 8% nguồn cung hằng năm, con số không quá lớn song không dễ bù đắp ngay lập tức. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, 8% nguồn cung dầu này tương đương khoảng 700.000 thùng dầu và sản phẩm từ dầu một ngày. Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.
Hiện các công ty trên thế giới lại đang có xu hướng tránh mua dầu Nga, một phần vì gặp khó khăn khi thanh toán do các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt, phần nữa vì e ngại vướng vào các biện pháp trừng phạt đã và có thể sắp áp đặt. Do đó, trang tài chính của Yahoo nhận định việc Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và những biện pháp trừng phạt cấm sâu rộng hơn, nếu có trong tương lai, sẽ thắt chặt nguồn cung, gia tăng bất ổn thị trường và đẩy giá dầu đi lên.
Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới, và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Goldman Sachs nhận định rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm. Công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo (Na Uy) dự đoán lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu khí của Nga có thể khiến giá dầu thô tăng lên 200 USD/thùng so với mức đỉnh 147 USD/thùng vào năm 2008. Ngân hàng Mỹ JPMorgan thì ước tính giá dầu có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu gián đoạn xuất khẩu dầu của Nga kéo dài.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo kịch bản giá dầu có thể tăng lên mức 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga. Viễn cảnh này có nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu và đẩy nền kinh tế thế giới đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP toàn cầu vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là yếu tố chính dẫn đến lạm phát, nhưng “vàng đen” là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, bởi đây là nhiên liệu cho hoạt động vận tải và nguyên liệu của các loại hàng hoá thiết yếu khác như dược, may mặc, hoá chất... Do đó, tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận tại các trạm xăng, mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát tăng cao. Hãng tin Reuters nhận định tình hình giá dầu hiện tại có thể kéo mức lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên trên 7% và "ăn sâu" vào sức mua của các hộ gia đình.
Theo quy luật, tại Mỹ, cứ mỗi thùng dầu tăng 10 USD thì lạm phát sẽ tăng 0,2%. Còn tại châu Âu, giá dầu tăng 10% sẽ kéo theo lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng thêm từ 0,1% đến 0,2%. Chỉ hơn 2 tháng đầu năm nay, giá dầu thô Brent đã tăng giá khoảng 80%, đóng góp mức tăng lạm phát từ khoảng 0,8% đến 1,6% tại Liên minh châu Âu (EU).
Giá dầu tăng không ngừng cũng gây sức ép lên tình hình lạm phát phi mã tại khu vực châu Á, khu vực nhập khẩu ròng năng lượng. Chuyên gia Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings PLC, cho biết hầu hết các nước ở châu Á đều là các nhà nhập khẩu năng lượng lớn, do đó chi phí dầu thô và khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tác động của lạm phát cũng rất đáng kể.
Giới chuyên gia cũng bắt đầu lo ngại khả năng chống chịu của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, để thoát khỏi một cuộc suy thoái và khủng hoảng năng lượng mới. Tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy những tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine có thể kéo giảm mức tăng trưởng ở Eurozone khoảng 0,3% đến 0,4% trong năm nay theo kịch bản chính và 1% trong trường hợp xảy ra "cú sốc nghiêm trọng". Ông Erik Nielsen, cố vấn kinh tế tại tập đoàn UniCredit, nhân định: “Tiến trình phục hồi hậu COVID-19 chắc chắn sẽ bị chậm lại, với một nguy cơ rõ ràng về thế giới đang tiến đến giai đoạn lạm phát kèm suy thoái”.
Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Hussein Sayed tại công ty Exinity chuyên về thương mại và đầu tư của Anh cho rằng: “Cùng với việc nền kinh tế Nga sẽ bị tổn thương nhiều nhất, châu Âu cũng có thể sẽ rơi vào suy thoái và tăng trưởng của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, nhưng người tiêu dùng sẽ cảm thấy đau đớn nhất”. Những dự đoán về lạm phát kèm suy thoái này gợi lại ký ức về hai cú sốc lớn trên thị trường dầu mỏ trong những năm 1970. Giá dầu tăng vọt năm 1973, sau khi khối Arab áp đặt lệnh cấm dầu mỏ đối với các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Khủng hoảng một lần nữa lặp lại với giá dầu leo thang vào năm 1979, sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran.
Trong khi đó, quyết định của Mỹ đang gây ra những phản ứng khác nhau tại các nước đồng minh của Washington. Anh tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, EU công bố lộ trình giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, việc thực hiện biện pháp này không mấy dễ dàng.
Theo tạp chí Forbes, châu Âu nhập 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô từ Nga. Trước khi Mỹ công bố lệnh cấm trên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Theo ông, đây là những mặt hàng “cần thiết” để đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu bởi tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công cộng và đảm bảo cuộc sống hằng ngày của người dân. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 8/3 nói rằng việc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ, nếu được triển khai, có thể khiến một số hoạt động kinh tế của Đức gặp khó khăn.
Ngoại trưởng Đức nêu rõ: “Nếu chúng ta dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, thì ngày mai chúng ta sẽ không thể di chuyển trong nước Đức được nữa”. Cũng theo bà, trong tình huống đó, những lao động thiết yếu như giáo viên và y tá sẽ không thể tới nơi làm việc và có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cảnh báo rằng đưa việc cấm các công ty châu Âu hợp tác với Nga ngay lập tức có thể gây ra những hậu quả to lớn cho châu lục, bao gồm Ukraine và toàn thế giới. Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov tuyên bố không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, cảnh báo các nước thành viên EU sẽ "trải qua khó khăn lớn" nếu thực hiện điều này. Bản thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng thừa nhận rằng mục tiêu giảm phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga trong thời gian ngắn sẽ rất khó khăn.
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho rằng những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng tăng mạnh trong ngắn hạn. Việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga được cho có thể khiến căng thẳng địa - chính trị ngày một dâng cao trong khi thị trường năng lượng thế giới tiếp tục “nóng” lên, dẫn tới nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng. Hệ lụy là quá trình phục hồi toàn cầu có nguy cơ bị chững lại trong bối cảnh các nước mới chỉ vừa mở cửa trở lại nền kinh tế sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ), Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo đã kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng, bởi theo ông, cũng như các mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra, mọi người đều có quyền tiếp cận năng lượng sạch, với giá hợp lý và nguồn cung bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức