Việc các nhà lãnh đạo của hơn 40 quốc gia cùng đại diện nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra các cam kết hành động xoay quanh 4 chủ đề chính: bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên của các đại dương, chung sức cùng đại dương ứng phó với biến đổi khí hậu, chấm dứt ô nhiễm do rác thải nhựa trên các đại dương và đặt đại dương vào trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế, có thể coi là kết quả tích cực, tạo lực đẩy cho nỗ lực bảo vệ đại dương trên toàn cầu.
Đại dương chiếm tới 70% bề mặt Trái Đất nhưng lại thường bị lãng quên trong các sự kiện quốc tế lớn về khí hậu và đa dạng sinh học. Đại dương giúp cân bằng môi trường và khí hậu, cung cấp các nguồn tài nguyên và là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy thương mại, kết nối giữa các quốc gia và các cộng đồng dân cư. Thế nhưng, đại dương lại đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên biển.
Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo các nhà khoa học, sinh vật biển đang bị đe dọa do Trái Đất ấm lên trong khi hệ sinh thái dưới nước đang phải vật lộn để thích nghi với các điều kiện mới. Cách các bãi biển của Brest không xa, khi thủy triều xuống là lúc những con chim biển tìm kiếm thức ăn trên bờ cát. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm cho đại dương ấm lên, khiến nước biển dâng cao hơn, len lỏi sâu hơn vào đất liền, làm không gian tìm kiếm thức ăn của loài chim bị thu hẹp dần. Chuyên gia Virginie Antoine, nhà đại dương học thuộc Tổ chức phi chính phủ Bretagne cho hay: “Nếu mực nước biển và quá trình nhiễm mặn tăng sẽ phá vỡ chuỗi thức ăn, gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi thức ăn. Những con chim biển này cũng sẽ bay đi nơi khác để kiếm ăn”. Thậm chí, theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), nếu mực nước biển vẫn tăng không kiểm soát thì đến năm 2100, ước tính khoảng 2-3 tỷ người trên thế giới sẽ bị nhấn chìm. Như tuyên bố của Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry: “Đại dương tạo ra sự sống, tạo ra hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, nhưng điều đó lại đang bị đe dọa”.
Đại dương hấp thụ khoảng 25% lượng khí CO2 do con người tạo ra. Khí CO2 kết hợp với nước biển sẽ dẫn tới tình trạng axit hóa đại dương. Nhà đại dương học thuộc Nền tảng Đại dương và Khí hậu Françoise Gaill cảnh báo độ axit của đại dương đã tăng lên 30% trong hơn 2 thế kỷ rưỡi qua và hiện tượng này tiếp tục tăng lên, đe dọa trực tiếp đến các loài sinh vật biển.
Theo Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), mỗi năm đại dương còn phải hứng chịu khoảng 19-23 triệu tấn nhựa đổ ra biển. Số lượng rác thải nhựa dùng một lần đang chiếm tới 60% lượng rác gây ô nhiễm đại dương. Ước tính sản phẩm nhựa trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại.
Nhận thức được tầm quan trọng phải hành động ngay lập tức để tránh những hậu quả khôn lường, Hội nghị quốc tế về đại dương đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với mục tiêu chính là “thành lập được một số liên minh” bảo vệ đại dương, tạo đà cho các cuộc đàm phán về đại dương trong năm 2022. Tổng thống Macron khẳng định: “2022 sẽ là năm quyết định cho việc thực hiện các cam kết và đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái biển, chống lại ô nhiễm và rác thải nhựa”.
Bên cạnh “Cam kết Brest về đại dương” được thông qua, đáng chú ý, hội nghị đã kêu gọi thêm 30 quốc gia cùng tham gia Liên minh tham vọng cao (HAC) vì thiên nhiên và con người được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hành tinh diễn ra tháng 1/2021, nâng số quốc gia tham gia HAC lên 84 với mục tiêu “30 × 30”, tức là bảo vệ 30% diện tích đất và biển trên thế giới đến năm 2030.
27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng 16 quốc gia khác đã thúc đẩy tiến trình đàm phán một văn kiện pháp lý mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu vực nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ). Văn kiện này nằm trong khuôn khổ Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để điều chỉnh các hình thức hoạt động mới ở biển cả và đáy đại dương, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chung của nhân loại. Dự kiến, vòng đàm phán thứ tư sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Việt Nam cũng tham gia tiến trình đàm phán về BBNJ.
Trong khi đó, 14 quốc gia tham dự hội nghị cũng đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép, vốn chiếm tới 1/5 sản lượng khai thác toàn cầu, ảnh hưởng tới các nỗ lực quản lý nguồn cá bền vững.
Nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) , Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và các ngân hàng phát triển của Pháp (AFD), Đức (KfW), Italy (CDP) và Tây Ban Nha (ICO) đã nhất trí tăng gấp đôi tài trợ, lên mức 4 tỷ euro (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2025 cho “Sáng kiến Đại dương sạch” để giảm ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa.
Thế giới đã bước vào năm thứ hai của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững do LHQ phát động (giai đoạn 2021-2030), với mục tiêu bảo vệ đại dương bền vững. Năm 2022 được đánh giá là một năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương với một loạt các sự kiện liên quan đến biển và đại dương. Những cam kết mạnh mẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương 2022 ở Brest đã tạo tiền đề và lực đẩy cho hoạt động toàn cầu bảo vệ đại dương, hướng tới mục tiêu vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh” mà LHQ đề ra cho Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức