Đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết

Phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ tại các doanh nghiệp khoảng 255 tỷ đồng. Trong đó, hàng bình ổn giá khoảng 150 tỷ đồng, tập trung 8 nhóm mặt hàng thiết yếu gồm: lương thực; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường; rau, củ, quả tươi.

Ngoài Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH Dược phẩm - Thương mại Thy Thy, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên, năm nay có thêm 3 đơn vị lần đầu tham gia bình ổn thị trường Tết. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phượng Định tham gia bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm chế biến, sữa, với tổng trị giá hàng hóa 17,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhật Thành Food tham gia bình ổn giá mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm, với tổng trị giá 77,9 tỷ đồng và Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại An Xuân tham gia bình ổn giá mặt hàng gạo với tổng trị giá 420 triệu đồng.

Người dân mua sắm Tết tại Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Diệp

Bà Võ Trần Ái Phương, Tổ trưởng Tổ Marketing, Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Tham gia bình ổn giá cả thị trường trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Co.opmart Thanh Hà dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, tổng trị giá lên đến gần 80 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước. Trong đó, gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản trị giá 28 tỷ đồng. Ngay từ tháng 9-2021, Co.opmart Thanh Hà đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 – 3 lần. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm phục vụ Tết. Đơn vị đã khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm Tết được một tháng và tổ chức giảm giá, khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng dịch COVID-19. Cơ cấu hàng hóa trong dịp Tết năm nay cũng được Co.opmart Thanh Hà chọn lọc, phân khúc phù hợp theo hướng thiết thực, tiết kiệm.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ cho biết: Phục vụ thị trường mua sắm cuối năm và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị chuẩn bị tổng lượng hàng hóa trị giá khoảng 20 tỷ đồng, trong đó, nhóm hàng bình ổn giá gồm: Gạo, thực phẩm chế biến các loại chiếm 10 tỷ đồng. Công ty hiện có 6 điểm bán hàng bình ổn giá cố định tại địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và huyện Ninh Phước. Cùng với đó, Công ty TNHH Dược phẩm - Thương mại Thy Thy cũng đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ đồng; trong đó, hàng bình ổn giá là 20,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên dự trữ lượng hàng khoảng 26,5 tỷ đồng; trong đó, hàng bình ổn giá là 15,2 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, phong phú cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Tỉnh đã tạm ứng ngân sách 20 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm trước để hỗ trợ 7 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với lãi suất ưu đãi 0% trong vòng 3 tháng. Toàn tỉnh hiện có 12 điểm bán hàng bình ổn cố định, Sở đang chờ ý kiến phản hồi từ các địa phương, xem xét tổ chức 40 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi và vùng xa, vùng sâu. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có chỉ đạo, điều tiết kịp thời, tránh không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.