Cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP Cần Thơ phát triển
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Nhiều đại biểu cho rằng, các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; đặc biệt, đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác; tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm.
“Các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần có các cơ chế đặc thù để phát triển nhưng chúng ta cũng cần phải cso các chính sách ưu tiên, lựa chọn tập trung đầu tư trước một số tỉnh, một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh hơn làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Theo các ĐBQH những chính sách này đã tạo cho Cần Thơ hệ thống đồng bộ toàn diện để phát huy được mọi nguồn lực và đặc biệt khơi thông được những điểm nghẽn, phát huy được đặc thù, lợi thế của Cần Thơ, có tác động lan tỏa vùng miền thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Cần Thơ và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhấn mạnh quan điểm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới các vùng đẻ có sự phát triển đồng đều, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) khẳng định, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự cần thiết phải có đầu tàu kinh tế, có động lực để tạo sự lan tỏa cho sự phát triển của vùng.
Đại biểu Trương Xuân Cừ kiến nghị, các cơ chế, chính sách đưa ra tương đối toàn diện, đầy đủ, tuy nhiên để làm được yêu cầu trở thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề giải pháp, cơ chế chính sách phải đủ mạnh.
Liên quan đến đề xuất tại dự thảo Nghị quyết về quy định thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm chỉ được áp dụng trong trường hợp TP Cần Thơ tự thực sự cân đối được ngân sách.
Cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án
Cũng trong phiên thảo luận chiều 6/1, các đại biểu đã thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025.
Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch và phát huy hiệu quả đầu tư.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Hà Nội) lưu ý, khâu tổ chức thực hiện sau khi Quốc hội thông qua; quan tâm đánh giá tác động kỹ lưỡng về môi trường khi tiến hành giải phóng mặt bằng liên quan đến rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất lúa hai vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị cần làm rõ một nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phương thức huy động đầu tư…
Một số ý kiến khác đề nghị, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. Theo đó, cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư Dự án; Cụ thể hóa trách nhiệm của các địa phương trong giải phóng mặt bằng, cơ chế giám sát cụ thể ra sao để đảm bảo hiệu quả;…
Theo TTXVN/Báo Tin tức