Mười lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh đi từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã khẳng định “Hiện nay chính trị còn quan trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến, nhân dân lại phải tản cư cả vào rừng núi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao, cứ hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần canh gác đề phòng không để địch bắt, hại những người hoạt động[1].
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), chúng ta lại nhớ và suy ngẫm về những lời dạy của Bác Hồ trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi (22 tháng 12 năm 1964)[2]. Bác nói: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi thì cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức”. Quả đúng vậy, mặc dù quân đội ta không phải một đội quân thiện chiến nhưng buộc phải đứng lên chiến đấu để giành chiến thắng trên chiến trường bởi mỗi thắng lợi đều có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của dân tộc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và đầy hy sinh gian khổ, lập nên những chiến thắng quan trọng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cuộc chiến chống tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc.
Bác khẳng định: “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình”. Minh chứng rõ nhất là quân đội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đập tan mọi hành động khiêu khích, phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai. Bảo vệ nền hòa bình mới vừa giành được trước hết là nhiệm vụ của quân đội quốc gia; chính những cán bộ, chiến sĩ quân đội hiểu rõ nhất cái giá của hòa bình phải đổi bằng máu, bằng sự hy sinh của những người đồng cam cộng khổ. Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Năm 2021, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân ứng phó với đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đối phó thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Chính những cán bộ, chiến sĩ là người luôn đi đầu, hăng hái thực hiện nhiệm vụ và anh dũng hy sinh ngay trong thời bình vì sự bình yên của nhân dân là những hình ảnh tốt đẹp trong lòng dân, được lòng dân. Đó là kết quả của việc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về tình quân dân, “quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù.
Học theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em…”, Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần không nhỏ vào thành công đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đối ngoại quốc phòng tham gia đóng góp tích cực vào các vấn đề an ninh, quân sự quốc phòng thuộc hiệp hội ASEAN, gắn với lợi ích quốc gia, đặc biệt là ở Biển Đông. Lần đầu tiên, Việt Nam đã cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Brunei, chủ trì tổ chức thành công Diễn tập thực binh ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo trong năm 2013, cử cán bộ tham gia quan sát viên Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan năm 2014…
Trong bối cảnh đất nước vừa đối phó đại dịch COVID-19, vừa đối phó thiên tai chưa từng thấy ở miền Trung, Bộ Quốc phòng Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch quân sự, quốc phòng ASEAN đã tổ chức rất thành công các hoạt động đối ngoại quốc phòng, cả trên bình diện đa phương và song phương. Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội các nước đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc phòng đi vào thực chất và hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển gắn với việc giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, nâng cao tiềm lực sức mạnh của quân đội.
Có thể nói rằng, những lời dạy của Bác Hồ cho quân đội ta vào ngày 22 tháng 12 năm 1964 còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Những chiến sĩ, cán bộ quân nhân luôn đi đầu trên trận tuyến sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì lời thề “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chúng ta có thể tự hào đón nhận cuộc sống hòa bình hiện nay là nhờ công ơn của hàng vạn “Bộ đội Cụ Hồ” ngã xuống cho mảnh đất này. Càng tự hào hơn khi những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn có mặt ở mọi miền Tổ quốc, họ giữ chắc cây súng để bảo vệ quốc gia, dân tộc. Họ sống cùng nhân dân, giúp đỡ nhân dân lúc khó khăn, cùng nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Họ là những người yêu nước chân chính, không kiêu căng, rất đỗi bình dị, dù đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu của mình đóng góp cho Tổ quốc trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong tình hình mới của đất nước hôm nay.
Nguồn Bản tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
-------
[1] Ban nghiên cứu lịch sử quân đội, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 1974, tr.115-116.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.434-435.