Cuộc họp này, BCĐ quốc gia và các địa phương tập trung thảo luận, phân tích tình hình, bàn giải pháp kiểm soát thật tốt dịch bệnh để tiếp tục mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH); trong đó quan tâm nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch nhằm bảo vệ cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
Báo cáo của BCĐ quốc gia cho biết, đến ngày 10-12, thế giới ghi nhận trên 268 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu đợt dịch thứ tư đến ngày 9-12, cả nước đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (77%). Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 100.000 ca mắc mới (57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 73,3% ca mắc mới trong cộng đồng. Một số địa phương có số mắc cộng đồng tăng cao so với tuần trước như: Bến Tre, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Hải Phòng, Gia Lai...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 203%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.
BCĐ nhận định, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận về tình hình, nguyên nhân của diễn biến dịch COVID-19 thời gian vừa qua; hiệu quả sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP; tầm quan trọng của vắc xin và tình hình phân bổ vắc xin, tiến độ tiêm vắc xin, giải pháp thúc đẩy tiêm vắc xin; nhu cầu, khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19; ý thức phòng, chống dịch của người dân; tình hình mở cửa, khôi phục các hoạt động KT-XH, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NC-CP, chúng ta đã hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tình hình KT-XH đang được phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của BCĐ các cấp và sự hưởng ứng của Nhân dân, hỗ trợ của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả trên chứng minh Nghị quyết số 128/NQ-CP được ban hành kịp thời, đúng hướng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân do có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu và có quan niệm sai khi cho rằng đã tiêm vắc xin thì không bị lây nhiễm dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, việc số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đa số do chưa được tiêm vắc xin và có bệnh nền, trong khi y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; tiến độ tiêm vắc xin vẫn chưa đạt mong muốn; chính quyền tại nơi dịch diễn biến xấu chưa có biện pháp tốt quản lý rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong thời gian tới diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp; hồi phục và phát triển KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; an sinh, xã hội còn tiềm ẩn; thị trường lao động vẫn còn khó khăn, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn còn xảy ra, nhất là tại các khu công nghiệp... Đặc biệt, chủng virus Omicron đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới...
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ dịch, giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19; phấn đấu đến ngày 15-12, chậm nhất đến hết tháng 12-2021 hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương tiêm vắc xin mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; phấn đấu đến 31-1-2022 tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.
Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai.
Về biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song không hốt hoảng, mất bình tĩnh; kiên định quan điểm người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; tiếp tục hoàn thiện các nội dung theo Nghị quyết số 128/NQ-CP phù hợp với tình hình, sát thực tế theo từng giai đoạn và diễn biến của dịch.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các ngành, địa phương kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột và công thức đã được xác định; hướng dẫn người dân tự xét nghiệm; thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin đảm bảo khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; khắc phục bằng được các sự cố liên quan đến vắc xin trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không để thiếu vắc xin và thuốc điều trị. Ngoài tính toán nhập khẩu, phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước, đảm bảo an toàn, hợp lý, hiệu quả, trên tin thần tinh mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu về vắc xin, thuốc điều trị và nhân lực tiêm vắc xin, nếu thiếu thì báo cáo Chính phủ ngay để có phương án phân bổ, điều chuyển, hỗ trợ; cân đối nguồn lực để tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; rà soát và thực hiện an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết số 86/NQ-CP, dứt khoát không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; khôi phục thị trường lao động. Các địa phương đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; xây dựng lộ trình mở lại các đường bay quốc tế đảm bảo an toàn; chủ động tuyên truyền để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp, người lao động để có các giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển sản xuất...
Theo TTXVN