Cũng qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất một số hình thức khen thưởng mới, trong đó nổi bật là quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, đồng thời đề nghị làm rõ các quy định, tiêu chuẩn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để việc khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi đua, khen thưởng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Tham gia thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay còn tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội.
Nhấn mạnh sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân, theo Chủ tịch nước, công tác thi đua cần phải thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu vào từng cơ quan đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng.
Chủ tịch nước cảnh báo về hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. “Khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định. Khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chú trọng khen thưởng, nhưng lại không chú trọng thi đua”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, nếu phong trào thi đua được phát động mạnh mẽ theo chuyên đề hằng năm, hằng quý, nhất định tình hình sẽ tốt hơn.
Lấy ví dụ về việc khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước cho biết ông đã nhiều lần nói đề nghị các cơ quan chức năng nên có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau. “Bởi vận động cả bà già ủng hộ từng quả trứng gà, bán cả mảnh đất để hỗ trợ. Những hình ảnh tuyệt vời này mình nên có tôn vinh cá nhân, tập thể coi như tấm gương thôi thúc dân tộc chúng ta nhân văn, thương yêu đoàn kết. Ngoài bác sĩ, công an, quân đội còn nhiều nhà thiện nguyện, hy sinh lớn lao lắm, có tôn vinh được không? Nhiều người đóng góp không tính toán gì”, Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị cần có những chế tài mạnh, quy trách nhiệm rõ ràng tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thi đua, khen thưởng. Ví dụ, khi một cá nhân bị thu hồi thành tích thi đua khen thưởng do có khiếu nại khen thưởng không chính đáng, người trình phải chịu trách nhiệm, đồng thời người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức là vấn đề rất lớn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Cần nhìn nhận lực lượng thanh niên xung phong đúng mức
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng được thảo luận nhiều là việc bổ sung một số danh hiệu và đối tượng, trong đó có khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Về nội dung này, theo ý kiến thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Xã hội, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc vì chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật trong lần sửa đổi này.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cơ quan soạn thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cho biết đề xuất khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang xuất phát từ Kết luận của Ban Bí thư ngày 7/2/2017 về việc giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi và cho chủ trương tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang với lực lượng thanh niên trong thời kỳ kháng chiến cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa nội dung này vào dự án luật cũng gặp phải nhiều khó khăn và nhiều ý kiến chưa đồng thuận, bởi qua tổng hợp chính sách, riêng đối với thanh niên xung phong, đến thời điểm này đã rất đầy đủ và toàn diện với các đối tượng khác có công với đất nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trên cơ sở thảo luận của kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị để cho chủ trương, đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu xem xét để đi đến một quyết định làm sao đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng tham gia kháng chiến cũng như có công với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ quan điểm của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cho rằng việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang là phù hợp với lực lượng lên tới 40 vạn người, vốn chịu gian khổ nhất và "có một không hai" trên thế giới, nên cần có hình thức khen thưởng xứng đáng để động viên.
Đại biểu bày tỏ không đồng tình với quan điểm việc khen thưởng tạo ra sự trùng lắp, bởi đa số các cựu thanh niên xung phong không đủ tiêu chuẩn khen thưởng, trong khi đã phải dấn thân cả tuổi trẻ.
Có cùng chung ý kiến với đại biểu Vũ Trọng Kim, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, cần nhìn nhận lực lượng thanh niên xung phong đúng mức, bởi đây là lực lượng tham gia kháng chiến, sự đóng góp và hy sinh là có thật, họ là lực lượng đặc biệt. Do đó, bà cho rằng việc "trùng về khen thưởng là không đúng", bởi thanh niên xung phong trong Luật thi đua khen thưởng không có một danh vị, nên cần có khen thưởng cho lực lượng này.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nếu được Quốc hội đưa vào luật về hình thức khen thưởng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục làm việc với Chính phủ để Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động, nhất là tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng là thanh niên xung phong, để bổ sung vào trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khi thông qua Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ thi đua, khen thưởng
Liên quan đến thủ tục và hồ sơ thi đua trong Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong thực tế theo dõi công tác này vừa qua cũng có vấn đề là có những người rất tâm huyết, cống hiến tốt cho sự phát triển của đất nước, của bộ, ngành nhưng khi được chọn, bình bầu làm người tiêu biểu, được khen thưởng, họ thấy khâu làm hồ sơ, thủ tục hiện nay còn rất nhiều thủ tục, từ đó ngại làm.
Theo đại biểu, để hồ sơ, thủ tục khen thưởng không trở thành rào cản với người được khen thưởng, đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo Luật rà soát thêm về việc tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ thi đua, khen thưởng.
Đại biểu Thủy cũng đề nghị bỏ quy định hiện hành về đăng ký tham gia phong trào thi đua để cuối năm mới được xét tặng danh hiệu thi đua. Đại biểu cho rằng, quy định này rất hình thức và không cần thiết. “Tôi nghĩ chỗ này cần phải xem xét thêm, bởi vì thực tế những cái gì nó là hình thức trong phong trào thi đua thì chúng ta nên lược bớt”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức