Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng có những ý kiến đóng góp về các nội dung được thảo luận này. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng các báo cáo đánh giá về kinh tế xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 cùng những nội dung khác có tính khách quan, chính xác, đầy đủ, đúng mức kết quả thực hiện thời gian qua.
Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, về phát triển kinh tế-xã hội, khi đại dịch COVID-19 xảy ra đã kích hoạt quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kỹ thuật, kinh tế số; các ngành liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người, môi trường đã được triển khai quyết liệt. Một số phương thức hoạt động như việc làm, giao lưu, học tập online, sống xanh, sống giãn cách, sống tối giản tiếp tục là xu hướng. Bên cạnh các chuyển đổi tích cực còn có những hạn chế cần quan tâm xem xét, ưu tiên giải quyết, nhất là các vấn đề trong phát triển đô thị. Thời gian tới, nhiệm vụ cần quan tâm hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, phục hồi kinh tế, đảm bảo việc làm, hạn chế tình trạng tái nghèo...
Một trong những vấn đề được chú trọng hiện nay là chuyển đổi số. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cơ quan, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cần sự thống nhất điều hành từ Trung ương đến cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu đồng nhất.
Về vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải ở nông thôn và đô thị khá tốt, tỉ lệ thu gom cao nhưng xử lý rác thải vẫn là vấn đề lớn. Hiện chủ yếu xử lý rác thải với công nghệ thấp như chôn lấp hoặc đốt. Cả hai phương thức này chưa giải quyết được các vấn đề về môi trường, làm ô nhiễm lòng đất, không khí. Thực tế cho thấy, các địa phương lúng túng trong lựa chọn công nghệ xử lý rác nhưng chưa có được hướng dẫn của cơ quan quản lý về môi trường ở Trung ương để xử lý rác hợp vệ sinh và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện môi trường cũng như hoạt động sinh hoạt của người dân địa phương. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự phối hợp hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý rác thải.
Về ngân sách trong xử lý rác thải hiện nay chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước, do đó thời gian tới cần có cơ chế để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực ngoài nhà nước. Bên cạnh xử lý rác thải, xử lý nước thải cũng là vấn đề cấp bách. Hiện chỉ có 10% tỉ lệ nước thải được xử lý. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ và mang tính tổng thể, có thể xây dựng đề án về nguồn nước quốc gia giải quyết về vấn đề này.
Về phát triển kinh tế, thời gian qua, một số địa phương tập trung vào du lịch, dịch vụ nên khi đại dịch xảy ra đã dẫn tới mất cân đối nguồn thu. Vì vậy, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng cần điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đảm bảo hài hòa phát triển cân đối, giảm tác động của đại dịch.
Đại biểu Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng nêu quan điểm: Sau đại dịch COVID-19 cần nhìn nhận và đánh giá tổng thể về công tác phòng, chống dịch bệnh như khả năng chống chọi của người Việt Nam với dịch bệnh, hệ thống y tế cơ sở, năng lực triển khai các vấn đề, sự nhận biết về các loại dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn sớm, hiệu quả.
Đại biểu Vũ Thanh Chương cho rằng cần quan tâm đến năng lực của cán bộ thực thi nhiệm vụ và các vấn đề khác như lưu thông, cung ứng hàng hóa, có phương án để nhân dân không bối rối trong xử lý tình huống. Nếu không làm tốt sẽ gây phức tạp cho tình hình an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh, thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngoài việc rút kinh nghiệm trong điều hành phòng, chống dịch cần đánh giá toàn bộ hệ thống để từng ngành, lĩnh vực đánh giá nguồn cơ sở vật chất, chức năng, nhiệm vụ, tránh sự phối hợp không nhịp nhàng, từng khúc, như vậy khó tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch.
Theo TTXVN/Báo Tin tức