Năm nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra từ ngày 4 đến 7-10. Là làng Chăm theo đạo Bàlamôn duy nhất của xã và huyện, Bỉnh Nghĩa hiện có 800 hộ dân, với 4.212 nhân khẩu. Diện tích đất canh tác lúa khoảng trên 260 ha. Cùng với trồng trọt, Bỉnh Nghĩa còn có tổng đàn gia súc có sừng gồm: 1.206 con bò, 1.529 con dê và 364 con cừu. Vụ hè - thu vừa kết thúc, tuy năng suất lúa thu hoạch bình quân đạt thấp (4,9 tạ/sào) do ruộng thiếu nước, gieo muộn bị sâu đục thân nhưng đa số bà con trong thôn vẫn có đời sống ổn định. Đó là nhờ Bỉnh Nghĩa phát huy thế mạnh về chăn nuôi; ngoài bò, dê, cừu, những năm gần đây heo đen đang được chú ý nhân rộng qua mô hình của 21 hộ nuôi (trung bình từ 8-20 con) từ dự án của huyện và tỉnh. Theo anh Thành Tiểu Phi Học, Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, thôn còn có khoảng 100 lao động đi làm cá hấp ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) thời gian 3-4 tháng, dự kiến mùa bấc tới nếu không bị dịch bệnh ngăn trở, số lao động này sẽ đi hái cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Dù còn khó khăn nhưng đời sống người dân Bỉnh Nghĩa đang từng bước cải thiện, thôn hiện có 167 hộ nghèo, giảm 37 hộ so với đầu năm ngoái.
Lễ hội Katê năm 2021 sẽ không tổ chức tại các đền, tháp, các cơ sở thờ tự, các tộc, họ và nơi công cộng.
Theo anh Sầm Văn Quyến, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bỉnh Nghĩa, Lễ hội Katê năm nay, sau khi được quán triệt các công văn về phòng, chống dịch COVID-19, bà con đã nhận thức, đồng thuận ngưng hết các hoạt động lễ hội, không tập trung đông người, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, tuyệt đối không mời khách tới nhà.
Theo đồng chí Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, để phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Lễ hội Katê, xã đã tuyên truyền, vận động bà con đang làm việc tại các vùng dịch hãy ở lại tại chỗ, không về địa phương. Xã cũng đã thông báo công văn của tỉnh, huyện và Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh đến tận các hộ dân. Do kế sinh nhai, đa số thanh niên Bỉnh Nghĩa vào tỉnh Đồng Nai làm công nhân (khoảng 200 người), số ít hơn thì làm ở Công ty May Cam Ranh (trên 70 người) và Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận Ninh Thuận (30 người). Nhìn chung nhờ các công việc này mà bà con có thu nhập ổn định. Theo anh Thành Tiểu Phi Học, hiện nay còn khoảng hơn 100 thanh niên đang kẹt lại ở các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Các cán bộ thôn đã thường xuyên liên hệ các hộ gia đình, nhắc nhở bà con, trong tình hình dịch còn phức tạp vận động người thân “ai ở đâu ở yên đấy”. Theo ghi nhận của chúng tôi, một số thanh niên đang ở Đồng Nai đã gọi điện thoại về và thông báo với gia đình trước yêu cầu của địa phương họ tự giác ở lại.
Lễ hội Katê năm nay không tổ chức các hoạt động nhộn nhịp, dù vậy tất cả mọi người đều thể hiện niềm vui đoàn kết, quyết tâm chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bạch Thương