Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) từ cuối năm 2020 đến nay, tại 2 nút giao thông này đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 5 người chết, 1 người bị thương nặng. Theo Điều 4 “Tiêu chí xác định điểm đen” của Thông tư số 26/2016/TT-BGTVT thì ngã 3 Tân Hội và ngã 5 Phủ Hà là các “điểm đen” giao thông, cần phải xử lý để đảm bảo ATGT.
Ám ảnh tai nạn giao thông
Ngã 3 Tân Hội, là nút giao đồng mức tại Km1533+700 giao nhau giữa QL1 với đường Thống Nhất. Từ cuối năm 2020 đến nay, tại “điểm đen” này đã xảy ra 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 2 người và 1 người bị thương. Theo cơ quan chuyên môn, bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến TNGT, như: Do người tham gia giao thông không giảm tốc độ khi vào nút giao; thiếu quan sát; không chú ý khi lái xe... thì nguyên nhân chính dẫn đến TNGT ở “điểm đen” này là do tại vị trí nút giao trên bố trí siêu cao ngược (độ dốc lớn hơn 2%), vì vậy khi xe ra vào nút giao rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, đặc biệt đối với các loại xe có kích thước lớn (xe khách, xe tải, container...). Mặt khác, do cao độ mặt đường quanh đảo tròn hướng TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội bị siêu cao ngược và kết hợp quỹ đạo xe vòng qua đảo với bán kính nhỏ dẫn tới các phương tiện (đặc biệt là xe trọng tải lớn) đi hướng Sài Gòn - Hà Nội vòng qua đảo để vào nhánh QL1 lưu thông dễ xảy ra tình trạng bị lật xe,...
Vòng xuyến ngã 5 Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang được triển khai thi công.
Còn tại “điểm đen” ngã 5 Phủ Hà - điểm giao cắt giữa QL1 (Km1556+020) với phần đường 21 Tháng 8 và đường Trần Phú. Dù được trang bị hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông, nhưng tình trạng tắc đường, TNGT, va chạm giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Đây cũng đang trở thành nỗi ám ảnh của người và phương tiện giao thông qua đây. Từ cuối năm 2020 đến nay, tại đây đã xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 3 người, bị thương một người. Theo cơ quan chuyên môn, khu vực nút giao đông dân cư sinh sống, kinh doanh dọc sát QL; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua nút giao rất lớn, phức tạp và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Mặt khác, đây là nút giao ngã 5 nhiều hướng lưu thông, lưu lượng xe qua nút đông, nhiều loại phương tiện tham gia nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Trong khi đó, theo nhiều tài xế lưu thông qua đây, vòng xuyến ngã 5 Phủ Hà quá to so với mặt đường hiện tại dẫn đến mất ATGT.
Xóa “điểm đen”
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), cho biết: Dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh được Bộ GTVT triển khai đưa vào khai thác từ cuối năm 2015 đã phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác, đến nay đã xuất hiện một số hạn chế cần được khắc phục, nhất là vấn đề bảo đảm ATGT tại nút giao ngã 3 Tân Hội và ngã 5 Phủ Hà. Mặc dù xác định được đây là “điểm đen” giao thông, nhưng do là tuyến QL1 nên muốn khắc phục, sửa chữa phải do Bộ GTVT quyết định. Vì thế, để đảm bảo ATGT, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực này, UBND tỉnh đã có các văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm xử lý các “điểm đen” này. Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản phúc đáp, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương khắc phục tình trạng trên.
Trao đổi vấn đề này với chủ đầu tư Dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận, ông Nguyễn Việt Dương, đại diện Công ty cho biết: Trước bức xúc, kiến nghị của địa phương, Công ty đã lên phương án sửa chữa, khắc phục và đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt trong tháng 7-2021. Hiện nay, Công ty đang đẩy nhanh các thủ tục và triển khai thi công, đảm bảo dự án hoàn thành trong tháng 12-2021.
Cụ thể, đối với ngã 3 Tân Hội, sẽ phá dỡ đảo giao thông để hoàn trả kết cấu mặt đường, đồng thời dịch chuyển và cải tạo thành ngã tư cắt giữa QL1 với đường Thống Nhất và lối ra vào thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải. Cải tạo mặt đường, giảm độ dốc nhằm tránh tình trạng lật xe như hiện nay. Đồng thời vuốt nối êm thuận mặt đường phía đường nhánh. Đối với nút giao ngã 5 Phủ Hà, đơn vị sẽ thu nhỏ bán kính đảo trung tâm từ R=13,8 m về R=4 m để mở rộng mặt đường phần xe chạy trong nút; bổ sung đảo tam giác để dẫn hướng; cải tạo mặt đường khu vực nút giao đảm bảo độ dốc siêu cao khi qua vòng xuyến không bị lật xe và vuốt nối êm thuận mặt đường phía đường nhánh. Hoàn trả hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên đảo xuyến sau khi xén. Song song đó, đơn vị cũng sẽ lắp đặt hệ thống biển báo, vạch sơn cùng cơ sở vật chất khác để phù hợp với việc tổ chức lại đảo giao thông để đảm bảo trật tự ATGT sau khi khắc phục 2 “điểm đen” này.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết thêm: Sở đang tiến hành giám sát, kiểm tra, đốc thúc chủ đầu tư thực hiện dự án hoàn thành đúng cam kết, đảm bảo ATGT cho người và phương tiện giao thông qua đây. Còn về lâu dài, để giải quyết tình hình TNGT và kẹt xe tại nút giao ngã 5 Phủ Hà, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét sớm có biện pháp tổ chức lại hình thức nút giao bằng biện pháp xây dựng cầu vượt trực thông, tách các phương tiện trên Quốc lộ 1 đi độc lập theo hướng cầu vượt, các phương tiện di chuyển theo hướng khác sẽ đi phía dưới cầu vượt. Việc tổ chức giao thông như trên sẽ giảm thiểu công tác thu hồi đất của người dân, có thể rút ngắn thời gian triển khai, góp phần nâng cao năng lực thông xe, giảm thiểu ùn tắc và TNGT xảy ra tại nút, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Việc đề xuất cải tạo nút giao ngã 5 Phủ Hà của tỉnh cũng đã được Bộ GTVT ghi nhận.
Bình An