Nghĩa tình, trách nhiệm với người dân xa quê

Để kịp thời hỗ trợ người dân Ninh Thuận sống ở vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19, tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó có chủ trương đón người dân trở về địa phương. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với bà con xa quê.

Ấm lòng người xa quê

Thời điểm này Ninh Thuận vẫn còn đang đẩy mạnh các hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình với bà con xa quê, ngày 22-9, tỉnh ta đã tổ chức Đoàn công tác vào TP. Hồ Chí Minh đón 194 công dân Ninh Thuận (đợt 1) về quê. Đây là những công dân thuộc 3 nhóm đối tượng ưu tiên gồm: Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt lại TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Việc đón bà con xa quê về địa phương không chỉ chia sẻ khó khăn với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đây còn là trách nhiệm, tình cảm và sự quan tâm của tỉnh đối với người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Tình nguyện viên giúp các mẹ có con nhỏ di chuyển hành lý về khu cách ly tập trung. Ảnh: T.Xuân

Thời gian qua, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của trung ương về phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đã tập trung toàn hệ thống chính trị quyết tâm khống chế, không để dịch bùng phát và lan rộng. Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực còn nhiều khó khăn, nên thời gian qua, chủ trương của tỉnh động viên công dân đang ở vùng dịch thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thiết thực, hiệu quả, được bà con đồng tình, chấp hành. Song song đó, tỉnh cũng đã xây dựng các phương án, kế hoạch khi đủ điều kiện tốt nhất để đón công dân đang sinh sống có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch về địa phương. Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm chắc danh sách người dân Ninh Thuận đang ở các vùng có dịch; làm tốt công tác tuyên truyền trong Nhân dân để nắm được kế hoạch di chuyển; trên cơ sở đó, có kế hoạch đón tiếp khi công dân trở về.

Từ khi dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thông qua nhiều hình thức, tỉnh cũng đã tiếp nhận công dân về tỉnh. Trong đợt dịch lần thứ tư (từ ngày 27-4 đến 23-9), toàn tỉnh có 26.405 người đến, về tỉnh. Tất cả người dân từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê đều được đưa đi cách ly tập trung đúng quy định, các chi phí ăn ở, chăm sóc đều được ngân sách cùng nguồn xã hội hóa hỗ trợ miễn phí cho toàn bộ người dân trong những ngày cách ly. Những trường hợp mắc COVID-19 và các bệnh khác đều được chuyển tuyến, chăm sóc đảm bảo sức khỏe khỏi bệnh, xuất viện về địa phương. Dù còn nhiều khó khăn, tỉnh cũng đã kịp thời trích ngân sách và từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ bà con gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bằng hình thức chi trực tiếp hoặc qua tài khoản cá nhân, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng cho 2.542 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, trong hai ngày 31-7 và 1-8, tỉnh ta cũng đã đón gần 2.700 công dân từ Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam về quê để tránh dịch. Đại tá Nguyễn Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Để lo chỗ ở cho mấy ngàn người một lúc không phải chuyện dễ. Chỉ nói đến chỗ ở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường học đều được trưng dụng; toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn BB896 còn phải hành quân chuyển lên huyện Bác Ái ở tạm, dành đơn vị làm chỗ nghỉ cho bà con. Qua đó, để thấy hết được trách nhiệm của tỉnh đối với công dân trở về.

Chủ động và đảm bảo an toàn

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn của người dân càng tăng thêm. Vì vậy, việc tổ chức đưa công dân về quê là việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái. Trên tinh thần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg; căn cứ năng lực tiếp nhận của tỉnh cả về cơ sở cách ly, điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe... Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đưa đón công dân về quê theo từng đợt. UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể nhiệm vụ từng sở, ngành chức năng chuẩn bị chu đáo các điều kiện, từ việc rà soát, lập danh sách theo thứ tự ưu tiên đến xây dựng kế hoạch, bố trí lịch trình, phương tiện, cách thức liên lạc, di chuyển đến điểm tập trung... Để bảo đảm việc tổ chức đón công dân được chu đáo, chặt chẽ, an toàn và đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch, trong suốt quá trình thực hiện, tỉnh đã thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu việc đón công dân về địa phương, để người dân đồng thuận với cấp ủy, chính quyền cùng vượt qua khó khăn.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thêm: Hiện nay công dân Ninh Thuận chủ yếu tập trung sinh sống, lao động tại các tỉnh, thành phía Nam với khoảng 25.000-30.000 người, trong đó, có nhiều người dân có nhu cầu được đón về quê. Tuy nhiên, khả năng cách ly tập trung của tỉnh còn khó khăn. Do vậy, hiện nay tỉnh sẽ cân nhắc xây dựng phương án tiếp theo cho việc đón công dân từ vùng dịch trở về, việc đưa bà con về phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, tránh tạo vùng dịch mới. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Hội Đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong hoạt động trợ giúp, chia sẻ với công dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

* Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch COVID-19, nhu cầu trở về địa phương của công dân tỉnh nhà đang làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phố phía Nam là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề trên cũng gây áp lực rất lớn do cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác quản lý, chăm sóc người thực hiện cách ly tập trung. Với tinh thần chủ động, chung tay chăm lo, đảm bảo tốt các điều kiện sinh hoạt cho người dân ở các khu cách ly, thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động, kêu gọi nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức như: Kinh phí, nhu yếu phẩm, thực phẩm... với số tiền quy đổi lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều mô hình đã xuất hiện trong quá trình Mặt trận thực hiện, kêu gọi ủng hộ như: “Bữa cơm 0 đồng”, “Bếp yêu thương”... là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tinh thần “tương thân, tương ái”, đoàn kết của Nhân dân tỉnh nhà.

* Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước:

Trong đợt dịch lần thứ tư này, huyện Ninh Phước đã đón nhận 2.700 công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về cách ly y tế tại địa phương. Với số lượng công dân về lớn, trong khi huyện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên địa bàn, địa phương đã từng bước khắc phục khó khăn để tiếp nhận, đảm bảo an toàn cho công dân trong quá trình cách ly được chăm lo chu đáo về nơi ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phát đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cho công dân... Ngoài ngân sách nhà nước, thông qua Mặt trận, các hội, đoàn thể và các đơn vị, ban, ngành kêu gọi chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm với tổng kinh phí được 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ hàng ngàn suất cơm miễn phí cho công dân, hỗ trợ phụ nữ mang thai và trẻ em, hộ nghèo trong các khu cách cách ly.

* Đồng chí Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận:

Mặc dù đã bước vào năm học mới 2021-2022, nhưng khi nhận được sự chỉ đạo của tỉnh trong trưng dụng các cơ sở giáo dục, trường học làm nơi tiếp nhận, quản lý, cách ly y tế cho công dân ở các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương, nhà trường đã nhanh chóng bàn giao lại cơ sở vật chất, khu vực giảng dạy, gồm: Toàn bộ khu ký túc xá, khu giảng dạy nghiệp vụ khách sạn và khu giảng dạy nghiệp vụ bếp, với năng lực cách ly cho khoảng 240 người. Đồng thời, nhằm đảm bảo an toàn, chu đáo cho người dân cũng như sự thuận tiện trong quá trình làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, trước khi bàn giao, nhà trường cũng chủ động sửa chữa khu sinh hoạt, khu vực vệ sinh, lắp đặt lại hệ thống thiết bị điện, đường truyền Internet... để công dân trở về có chỗ ăn, chỗ nghỉ đàng hoàng.

* Anh Phú Thanh Lâm, thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước):

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, tôi từ Bình Dương trở về, được chính quyền địa phương tiếp nhận và thực hiện cách ly y tế tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Ninh Phước. Trong quá trình cách ly tập trung tôi được Ban điều hành khu cách ly kiểm tra dịch tễ, sắp xếp chu đáo về nơi ở, chăm lo chu đáo từ những vật dụng đến từng bữa ăn, giấc ngủ nên tôi cảm thấy yên tâm thực hiện tốt việc cách ly, theo dõi sức khỏe. Sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung trở về gia đình, tôi được địa phương hướng dẫn các quy định cách ly tại nhà, tôi còn được địa phương quan tâm, ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương.