Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết được chia làm 4 nhóm chính: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Theo khảo sát, có 91,5% DN đã biết đến NQ 105; 81% DN cho biết chính sách tại NQ 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả. Tuy nhiên, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn cứng nhắc, thiếu thống nhất ở các địa phương. Đặc biệt, vấn đề các DN kiến nghị nhiều nhất là hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, Thủ tướng đề nghị các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cùng nhau chia sẻ và khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn và sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện, cơ hội thuận tiện nhất cho DN tiếp cận chính sách và giải quyết các công việc; áp dụng công nghệ chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trong đó tập trung nâng cao năng lực y tế để chăm lo sức khỏe cho Nhân dân; có giải pháp phù hợp để kiềm soát có hiệu quả với dịch bệnh để vừa chống dịch thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế hiệu quả.
Hồng Nguyệt