* Phóng viên: Bác sĩ cho biết lợi ích và sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19?
- Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một trong các giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, giúp kiểm soát tình hình COVID-19, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đợt này, với số lượng lớn người dân được tiêm chủng, tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu 95% đối tượng nguy cơ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi dịch COVID-19 của nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp thì nguy cơ dịch bệnh trở lại là rất cao, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững trong giai đoạn hiện nay. Mỗi người dân cần chung tay nâng cao ý thức và trách nhiệm về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm bảo vệ cho sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội, giảm rủi ro khi mắc bệnh; tạo điều kiện giúp cho doanh nghiệp, người lao động sớm trở lại trong trạng thái bình thường mới. Người dân cần yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng công tác tiêm chủng, không phân biệt vắc xin, luôn nhớ “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” và “Tiêm vắc xin là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”.
Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế.
* Phóng viên: Từ kết quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 những lần trước, ngành Y tế rút ra kinh nghiệm gì để đợt tiêm lần này bảo đảm an toàn, hiệu quả hơn?
- Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc: Từ tháng 4-2021 đến nay, tỉnh đã triển khai 5 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Ngành Y tế đã quán triệt các đơn vị trong ngành cũng thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Trong thời gian qua, việc tiêm vắc xin COVID-19 luôn được đảm bảo an toàn và hiệu quả; một vài trường hợp có phản ứng không mong muốn ở mức độ nhẹ và vừa đã được xử trí kịp thời, chưa xảy ra tai biến nặng trong và sau tiêm chủng. Thành quả bước đầu trong tiêm vắc xin COVID-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của các đối tượng tiêm chủng.
Từ thực tiễn, ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm: Cán bộ, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm túc việc rà soát, khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm cho đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác hồi sức, cấp cứu các phản ứng bất lợi trong và sau tiêm chủng luôn được sẵn sàng. Đồng thời trong quá trình tiêm chủng, luôn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
* Phóng viên: Với số lượng mũi tiêm lần này lớn, thực hiện trong thời gian ngắn, vậy ngành Y tế tỉnh ta đã triển khai kế hoạch cụ thể như thế nào?
- Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc: Đây được coi là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Từ kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, trên cơ sở kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của UBND tỉnh, ngành Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn điều tra, rà soát và lập danh sách theo các nhóm đối tượng tiêm chủng. Ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng 76 điểm tiêm với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của các cơ sở y tế công lập và tư nhân, với sự tham gia đồng hành của nhiều ban, ngành, đoàn thể trong đợt tiêm chủng này. Đặc biệt có thể thành lập điểm tiêm lưu động để thực hiện tiêm cho công nhân tại khu, cụm công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp hoặc ở khu vực dân cư đông, khu vực với đối tượng cần tiêm lớn đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và an toàn khi triển khai. Các điểm tiêm chủng đều đảm bảo các tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho các cơ sở tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19, đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng các quy trình chuyên môn về giám sát và xử trí sốc phản vệ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, các đơn vị tiêm chủng thành lập các Tổ cấp cứu lưu động bố trí tại các địa bàn theo cụm, thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển lên tuyến trên các bệnh nhân có phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19. Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tăng cường hoạt động truyền thông về công tác tiêm chủng COVID-19.
* Phóng viên: Vậy những đối tượng nào được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt này? Nguyên tắc ưu tiên trong tiêm chủng?
- Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc: Đối tượng tiêm vắc xin được thực hiện theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công khai, minh bạch danh sách đối tượng tiêm theo đúng hướng dẫn các văn bản của Chính phủ và của Bộ Y tế. Độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và có chỉ định sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trên cơ sở số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố làm đầu mối điều tra, tổng hợp danh sách đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thuộc địa bàn quản lý, gửi về Sở Y tế (qua trung tâm y tế huyện, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để tổng hợp, cân đối phân bổ vắc xin dựa trên số lượng đối tượng mà các huyện, thành phố đề xuất. Nguyên tắc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ dựa trên tình hình dịch để xem xét. Trong đợt tiêm sắp tới, sẽ tổ chức tiêm chủng cho các nhóm tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT, trong đó ưu tiên tiêm vắc xin trước cho các đối tượng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi, nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế phù hợp với số lượng vắc xin được Bộ Y tế cấp cho tỉnh.
* Phóng viên: Để bảo đảm an toàn tối đa trong tiêm chủng, bác sĩ có những khuyến cáo gì đối với người được tiêm ?
- Bác sĩ Mai Thị Phương Ngọc: Đây là đợt tiêm chủng với số lượng đối tượng tiêm rất lớn, mang tính chất toàn dân. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt chuyên môn của ngành Y tế, cần có sự tham gia, phối hợp, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và người dân từ khâu chuẩn bị, điều tra đối tượng, đến triển khai tiêm. Để tiêm vắc xin được an toàn, hiệu quả, người dân cần lưu ý trước khi đi tiêm, ngoài việc chuẩn bị những giấy tờ cần thiết như: Tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và thực hiện đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế trực tuyến, giấy thông báo đi tiêm, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (nếu có), người tiêm cũng cần trung thực khi khai báo, không được giấu bệnh... Cùng đó, sau khi theo dõi 30 phút ở điểm tiêm trở về nhà, cập nhật phản ứng sau tiêm qua hình thức ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động; tiếp tục được người nhà theo dõi, giám sát chủ động phản ứng sau tiêm trong 24 giờ đầu và 3 ngày tiếp theo để kịp thời phát hiện các dấu hiệu phản vệ sau tiêm, gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
* Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!.
Xuân Bính