Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020, vừa qua, Uỷ ban Dân tộc đã hoàn thành việc xây dựng Đề án Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020, với 4 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Hoàn thiện mạng lưới giao thông là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm
trong Đề án Chiến lược công tác dân tộc
Xuất phát từ vị trí, tiềm năng và thực trạng địa bàn dân tộc, miền núi, để phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020 nhằm định hướng dài hạn, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số trong phát triển, đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư cho những vùng nghèo, vùng khó khăn nhất, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng của đất nước.
Mục tiêu cụ thể được xây dựng trong Đề án đến năm 2020 là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt 8-10%/năm; thu nhập bình quân đầu người ít nhất gấp 4 lần so với hiện nay; đảm bảo 100% các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu, đường ô tô đến được trung tâm xã và 70% thôn, bản; 100% số hộ có điện, kết nối điện thoại, Internet đến hầu hết các thôn bản. Chỉ số phát triển con người đạt nhóm trung bình của cả nước; giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 4-5% hộ nghèo, xoá nhà ở đơn sơ, tỷ lệ nhà kiên cố đạt 60%. 100% trường học được kiên cố, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%... Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tiến bộ của đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt chưa hợp vệ sinh… Đảm bảo tỷ lệ cán bộ trong hệ thống chính quyền các cấp tương ứng với tỷ lệ dân tộc thiểu số trên địa bàn, cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
Để hiện thực hoá các mục tiêu là cả một quá trình lâu dài vì địa bàn miền núi, dân tộc có những khó khăn rất đặc thù. Vì vậy, Đề án Chiến lược đã lựa chọn 4 khâu đột phá. Một là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo sự liên kết giữa các vùng, các trục động lực kinh tế. Hai là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn, trong đó tập trung vào việc đổi mới các chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề; hình thành hệ thống học viện dân tộc và các trường đào tạo cán bộ, con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Ba là: Đổi mới hệ thống chính sách dân tộc theo hướng tập trung phát triển các vùng động lực đi đôi với ưu tiên giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng cao núi đá; tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ xã hội, thành quả phát triển của đất nước. Bốn là: Huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo ra các trục động lực, trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm lôi cuốn và thúc đẩy phát triển toàn vùng.
Từ 4 khâu đột phá đó, Đề án Chiến lược đã cụ thể hoá 9 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác dân tộc bao gồm:
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung hàng đầu là hoàn thiện mạng lưới đường giao thông.
Thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội bình đẳng để đồng bào tiếp cận với các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội, đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức để đảm bảo giảm nghèo bền vững, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ, làm tốt công tác định canh, định cư và di dân xây dựng kinh tế mới, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm.
Phát triển nhanh giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định lại mục tiêu đào tạo và hình thành hệ thống học viện, các trường đại học dân tộc ở Trung ương và một số khu vực để chuyên đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ người dân tộc thiểu số, đa dạng hoá.
Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, có chính sách đặc thù nhằm bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 ngàn người, tuyên truyền, vận động chống các biểu hiện mê tín, dị đoan, suy thoái đạo đức lối sống. Thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị thông qua việc tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng thôn, bản không có tổ chức đảng và đảng viên. Trước mắt, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn dân tộc, nhất là những nơi xung yếu về quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án; vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
Đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh vùng miền núi, dân tộc. Chủ động ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số.
Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp.
Đầu tư phát triển các vùng đặc biệt khó khăn: Tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện tốt các chính sách, chương trình ở các huyện, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân định địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển để có chính sách đầu tư phát triển phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam