Tham dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh ta, có đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Lê Huyền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến. Để triển khai hình thức học tập này, sóng Internet và thiết bị cá nhân như máy tính hoặc điện thoại thông minh là những yếu tố, điều kiện vật chất tiên quyết. Trong khi đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện sắm các trang thiết bị cá nhân. Nhiều khu vực miền núi không có sóng Internet. Ở các thành phố lớn có số lượng học sinh lên đến hàng triệu em nhưng lại có hiện tượng quá tải đường truyền, khiến học sinh và giáo viên liên tục bị thoát tài khoản khỏi lớp học ảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh tỉnh dự phát động tại điểm cầu tỉnh.
Tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động các bộ, ngành trung ương, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng vào cuộc triển khai các giải pháp giúp học sinh vượt qua khó khăn, có một năm học hiệu quả. Trong đó, có việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Đầu tư nâng cấp tốc độ đường truyền Internet và phủ kín sóng vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới…
Ngay Lễ phát động, các bộ, ngành trung ương, các địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 1,3 triệu bộ máy tính và hơn 3.000 tỷ đồng để đầu tư sóng cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai phát động chương trình sát với thực tiễn địa phương. Đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng để chương trình đạt kết quả cao.
Xuân Bính