Được thành lập từ năm 1982, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái có lịch sử phát triển gần 40 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhằm tạo nguồn nhân lực, nguồn cán bộ địa phương cho tỉnh. Đến nay, nhà trường đã đào tạo được trên 4.000 học sinh, trong đó nhiều học sinh đã trưởng thành là những kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, cán bộ tham gia ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ông Vũ Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái cho biết, năm học vừa qua, thầy và trò nhà trường đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng tốt. Kết quả là 100% học sinh lên lớp; học sinh có hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 99%; học sinh có học lực khá, giỏi đạt trên 81%; có 28 giải học sinh giỏi nhiều môn. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiếp tục duy trì và đạt 100%. Tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ các trường đại học, cao đẳng khá cao qua các năm, trong đó có các trường đại học tốp đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa…
Bước vào năm học mới 2021-2022, Trường có tổng số 47 cán bộ, viên chức; có 12 lớp với 422 học sinh là con em đồng bào các dân tộc Mông, Tây, Kinh, Cao Lan, Xa phó, Dao, Mường, Nùng, Thái... cư trú trên địa bàn 5 huyện trong tỉnh là Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên và Yên Bình. Năm học này, thầy và trò nhà trường được chuyển về khuôn viên mới rộng 6,5 ha, gồm đầy đủ các khối công trình, hệ thống phòng học, nhà chức năng đảm bảo ăn, ở, sinh hoạt, học tập và vui chơi giải trí cho học sinh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống khai giảng năm học mới. Bày tỏ xúc động dự lễ khai giảng đầu năm học mới với thầy và trò nhà trường, Chủ tịch nước cho biết, cả nước có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên thì có tới 16 triệu học sinh phải khai giảng trực tuyến do dịch bệnh. Chính vì thế, việc thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái có thể tổ chức khai giảng trực tiếp có ý nghĩa lớn, khích lệ tinh thần của thầy và trò. Kết quả này chính là nhờ nỗ lực Chính phủ và của tỉnh Yên Bái trong phòng, chống dịch COVID-19. Đã nửa tháng qua, tỉnh Yên Bái không có ca mắc COVID-19 nào.
Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái quan tâm đến giáo dục, trong đó có các trường dân tộc nội trú, bán trú. Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 60%. Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh duy nhất đưa chỉ số hạnh phúc vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và từ đó triển khai thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn. Đây là mô hình ngành giáo dục cần nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm. Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái đạt nhiều thành tích trong dạy và học, chỉ xếp sau trường chuyên của tỉnh, nói lên chất lượng đạo tạo của trường. Nhiều thế hệ học sinh của Trường đã có nhiều thành tích xuất sắc làm rạng rỡ quê hương và truyền thống của Trường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cả nước, đặc biệt các trường nội trú tập trung, luôn luôn chủ động trong xây dựng phương án dạy và học; linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Việc bảo đảm an toàn cho thầy và trò là điều rất quan trọng, Chủ tịch nước nhấn mạnh và mong muốn: “Càng khó khăn, càng trở ngại, chúng ta càng quyết tâm cố gắng hơn nữa để đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng dạy và học của hệ thống giáo dục”. Cùng với đó là tuyên truyền, áp dụng 5K để đề phòng dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương, nhất là ngành giáo dục có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc học sinh là con em thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, người khuyết tật, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta rất quan tâm, đó là chăm sóc và đào tạo thế hệ trẻ.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh miền núi cần xem mô hình trường dân tộc nội trú là cấu phần rất quan trọng trong tổng thể chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, các tỉnh miền núi, tiến hành đánh giá toàn diện chất lượng, điều kiện giảng dạy, học tập, sinh hoạt của các trường. Làm sao các em học sinh xem mái trường này là ngôi nhà thứ hai của mình. Vì thế, trách nhiệm của các thầy cô giáo trường dân tộc nội trú không chỉ trong giảng dạy kiến thức, mà còn giáo dục tư tưởng, tình cảm của các em, để các em coi các thầy giáo, cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống 39 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển tỉnh Yên Bái và đất nước.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đến nay, tỉnh Yên Bái là một trong số rất ít tỉnh chưa có trường hợp ca bệnh lây nhiễm hoặc khởi phát trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trong trạng thái bình thường mới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Yên Bái nằm trong số rất ít tỉnh của cả nước không có ca mắc COVID-19 từ hơn nửa tháng qua.
Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền Yên Bái đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó đến nay, 4/39 chỉ tiêu đạt kế hoạch cả năm. 86/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 57%. Thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư của tỉnh đều đạt kết quả tích cực.
Chủ tịch nước cho rằng, Yên Bái là địa phương có nhiều tiềm năng, nhất là tài nguyên rừng, đất rừng. Cùng với đó là tiềm năng từ người dân, truyền thống văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số của Yên Bái.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu Yên Bái tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ chế biến, bởi nông nghiệp là một thế mạnh của tỉnh với nhiều sản vật như chè, nhãn, quế…
Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu sản phẩm nông sản; phát triển nhưng cần bảo vệ môi trường, giữ được màu xanh núi rừng và môi trường trong lành của Yên Bái. Tỉnh cần phát triển kinh tế hộ cá thể, các hợp tác xã tại địa phương; đồng thời thu hút được các nhà đầu tư lớn để tạo động lực phát triển; tiếp tục đầu tư các dự án giao thông kết nối để tận dụng thị trường rộng lớn của vùng Thủ đô. Với tỷ lệ đô thị chỉ đạt 20%, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để phát triển đô thị.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Yên Bái thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân từ no ấm, đủ đầy tiến lên khá giả, giàu có, thịnh vượng, tiếp cận giáo dục có chất lượng, phát triển các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho người dân. Chủ tịch nước giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tỉnh Yên Bái tổng kết mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi để nhân rộng. Tiếp theo là giảm nghèo bền vững, không chỉ là tăng thu nhập bằng cách tạo việc làm ổn định, tự tạo sinh kế, mà còn tăng phúc lợi cho người dân.
Tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, không để bất kỳ ai bị bỏ rơi lại phía sau. Chủ tịch nước nhấn mạnh, có thể Yên Bái không phải là tỉnh phát triển nhất về kinh tế, nhưng hoàn toàn là một trong những tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất. Yên Bái có cơ sở để thực hiện điều này. Chủ tịch nước cũng căn dặn Yên bái quan tâm phát triển nguồn lực con người, giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức