* Phóng viên: Đồng chí cho biết, trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19, các mốc thời gian tổ chức tựu trường, khai giảng và bắt đầu năm học mới 2021-2022 trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Nguyễn Anh Linh: Ban đầu, UBND tỉnh xác định sẽ triển khai tổ chức tựu trường, khai giảng, bắt đầu năm học theo phương án 2 đối với tỉnh được đánh giá mức độ nguy cơ dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tỉnh ta có xuất hiện một số ca nhiễm COVID-19 ở cộng đồng, do đó thời gian tổ chức tựu trường, khai giảng và bắt đầu năm học mới sẽ lùi lại thêm 1 tuần nữa. Cụ thể, tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh và các trường THCS, THPT, giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn huyện Ninh Phước, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, thời gian tựu trường, khai giảng, bắt đầu năm học không sớm hơn ngày 13-9. Riêng các trường THCS, THPT, GDTX ở các huyện còn lại thì có thể tổ chức sớm hơn 1 tuần, nhưng không trước ngày 6-9 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống dịch, UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thành phố quy định thời gian cụ thể về tựu trường, khai giảng, bắt đầu năm học mới đối với các trường học tại địa phương của mình.
Về việc tổ chức tựu trường, khai giảng, yêu cầu các nhà trường chuẩn bị nội dung ngắn gọn, súc tích và không tập trung toàn trường, tổ chức theo từng lớp học, trong đó, chú trọng việc nhắc nhở HS về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
* Phóng viên: Đồng chí cho biết phương án mà Sở GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện chương trình dạy học năm học mới nhằm chủ động thích ứng với từng cấp độ, diễn biến tình hình dịch COVID-19?
- Đồng chí Nguyễn Anh Linh: Trên cơ sở Kế hoạch số 4434/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về các phương án tổ chức dạy học theo từng cấp học tương ứng với các mức độ phòng, chống dịch, gồm: Vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ. Đối với những địa phương đang ở trạng thái vùng xanh, các trường sẽ tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường cần tranh thủ thời gian, tăng nhanh tiến độ để hoàn thành chương trình, nội dung bài học. Tức là các trường có thể tổ chức học nhiều hơn 6 buổi/tuần, học 2 buổi/ngày, lồng ghép dạy học trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tiếp cho các bài học có nội dung mới, khó; phần thí nghiệm, thực hành. Còn trực tuyến thì dạy lý thuyết, các nội dung dễ, đơn giản.
Đối với mức độ dịch COVID-19 cao hơn, như: Vùng vàng, vùng cam thì các trường chủ động tăng dần mức độ dạy học trực tuyến kết hợp với dạy trực tiếp; tổ chức chia nhỏ lớp học, tổ chức học xen kẽ, học cách nhật, giãn cách chỗ ngồi, đảm bảo sĩ số HS không vượt quá quy định phòng, chống dịch.
Đối với vùng đỏ thì tất cả các trường học phải dừng cho HS đến trường, chuyển sang trạng thái dạy học trực tuyến. Riêng cấp mầm non, lớp 1, lớp 2, lớp 3 chưa có khả năng sử dụng các thiết bị để học trực tuyến, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng các bài giảng, hoạt động bằng clip để phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, từ đó phụ huynh theo dõi và có phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập cho các cháu. Đồng thời, giáo viên các trường học biên soạn hệ thống tài liệu, bài tập để gửi đến cho phụ huynh thông qua kết nối điện thoại, Zalo để theo dõi tình hình học tập cho các cháu. Đối với HS ở các cấp học còn lại, trong trường hợp các em không có điều kiện mua sắm và trang bị các thiết bị kết nối với học trực tuyến thì nhà trường tổ chức cho các em học ghép nhóm với các HS có điều kiện học trực tuyến. Tóm lại, Sở phải chủ động xây dựng các phương án cụ thể để đảm bảo dù dừng đến trường nhưng không dừng học, đồng thời, đảm bảo truyền tải các nội dung, kiến thức, chương trình dạy học có chất lượng.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Lê Thi (thực hiện)