Ban quản lý Quỹ cho biết, đã xuất quỹ thanh toán 282 tỷ đồng mua vaccine nên số dư Quỹ còn là 8.370 tỷ đồng.
Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 hàng ngày thực hiện công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN
"Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch và sử dụng quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân. Khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ xuất quỹ kịp thời để mua vaccine phục vụ nhân dân. Bộ Tài chính cam kết công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cam kết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng, quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.
Theo tính toán từ Bộ Y tế và Bộ Tài chính, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vaccine COVID để tiêm cho khoảng 75 triệu dân (mỗi người 2 liều). Ước tính, tổng kinh phí cần sử dụng để mua vaccine và tiêm là hơn 25.200 tỷ đồng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức