Trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc cho hơn 10 F0 nặng và nguy kịch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành ngôi nhà thứ hai của bác sĩ Trịnh Du Thế, Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Tính đến 19 giờ ngày 4-8, toàn tỉnh có 279 ca mắc COVID-19 trong đó có không ít bệnh nhân là người cao tuổi, sức đề kháng yếu, có các bệnh lý nền... lâm vào tình trạng nguy kịch. Được xem là “thành trì cuối cùng” chiến đấu COVID-19 ở mức cao nhất, mỗi ngày với anh là những cuộc chiến mới với COVID-19 để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, bác sĩ Thế cho biết: Hầu hết bệnh nhân COVID-19 diễn tiến phức tạp, khó lường nên cần tập trung, theo dõi liên tục các chỉ số sinh tồn, sẵn sàng ứng phó kịp thời nếu bệnh nhân có tiên lượng xấu. Có những ca bệnh cần phải đặt ngay nội khí quản, tất cả anh em chúng tôi cần phối hợp nhịp nhàng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cũng như an toàn cho người bệnh. Tại đây những kỹ thuật chuyên sâu hồi sức như thở máy xâm lấn, lọc máu liên tục, siêu âm phổi, siêu âm tim liên tục tại giường, đo huyết áp xâm lấn... cho bệnh nhân COVID-19 đều được triển khai và bước đầu đạt chuyển biến tích cực. Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong bộ đồ bảo hộ bí bức, khó chịu cùng với áp lực công việc nặng nề nhưng chưa khi nào anh nao núng. Bởi với anh, được cống hiến để bảo vệ sức khỏe, sự bình yên cho bệnh nhân chính là sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy thuốc.
Bác sĩ Trịnh Du Thế tận tình chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Mặc dù vợ mới sinh con được 4 tháng nhưng điều dưỡng Bùi Văn Bông công tác tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn bất chấp hiểm nguy, xung phong tình nguyện tham gia nhiệm vụ tại đơn vị hồi sức bệnh nhân COVID-19. Ở nơi điều trị vô cùng đặc biệt này (người bệnh hoàn toàn không có người nhà hỗ trợ chăm sóc), hằng ngày, ngoài công việc chuyên môn điều dưỡng Bùi Văn Bông còn kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Làm việc trong môi trường “đậm đặc” vi rút SARS-CoV-2, nên hầu như 24/24 giờ, anh phải mặc đồ bảo hộ. Trung bình mỗi ngày chỉ nghỉ ngơi khoảng 2-3 giờ, có nhiều đêm bệnh diễn tiến nặng, anh phải thức trắng thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục. Mấy ngày đầu chưa quen với bộ quần áo bảo hộ kín mít, nên sau vài giờ đồng hồ anh đã thấm mệt. Nhưng cứ nghĩ đến những người bệnh đang nằm bất động trên giường, được nghe những lời cảm ơn từ những giọng nói thều thào, yếu ớt của người bệnh, anh lại cố gắng lấy lại tinh thần để tập trung làm việc. Thấu hiểu cảm giác thiệt thòi, mặc cảm của bệnh nhân khi không có người thân bên cạnh, anh thường động viên, chia sẻ như chính người thân của mình. Khi được hỏi động lực thôi thúc anh tình nguyện tham gia cuộc chiến cam go này, anh mỉm cười chia sẻ: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai. May mắn nhất là công việc của anh luôn được vợ hiểu và động viên giúp anh an lòng hoàn thành nhiệm vụ.
Tham gia chống dịch, đối với nam giới đã quá vất vả, với gánh nặng công việc, gia đình trên vai, phụ nữ lại càng vất vả nhiều hơn. Mặc dù có 2 con nhỏ nhưng khi nhận lệnh cấp trên, chị Võ Thị Hằng Ly, điều dưỡng Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi sẵn sàng tham gia nhiệm vụ điều trị bệnh nhân F0 tại khu cách ly điều trị COVID-19 của bệnh viện. Trong cái nắng nóng như đổ lửa ngày hè, thế nhưng chị Ly lúc nào cũng ẩn mình trong bộ đồ bảo hộ dày cộm, kín mít, đậm mùi hóa chất kháng khuẩn trực tiếp hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Chia sẻ với chúng tôi chị cho biết: Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nên nguy cơ phơi nhiễm với vi rút SARS-CoV-2 rất cao, tuy vậy tôi không hề nao núng. Điều khó khăn duy nhất với tôi là nỗi nhớ các con. Mỗi khi nghe con khóc, hỏi “Khi nào mẹ về?” mà nước mắt lại chực trào vì thương, vì nhớ. Những lúc ấy, gác lại tình cảm riêng, chị chỉ biết nhờ cha mẹ và người bạn đời của mình dỗ dành con, mong đến ngày hoàn thành nhiệm vụ để về bên các con. Chính điều đó càng thôi thúc bước chân chị quyết tâm tiến về tâm dịch, sát cánh cùng các đồng nghiệp để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Trên tuyến đầu chống dịch, tại các khu cách ly, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, các khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 hay bệnh viện dã chiến, những người “chiến sĩ blouse trắng” vẫn đi vào “cuộc chiến” với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, sát cánh cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh đẩy lùi dịch COVID-19, đem lại sự an lành cho mọi người.
Mỹ Dung