Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 4-8, đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Chợ Nông sản Phan Rang, Công ty may Tiến Thuận và Tân Tiến (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm). Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Để chợ Nông sản Phan Rang có thể hoạt động trở lại một phần sau thời gian đóng cửa do có liên quan 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, qua khảo sát thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá các điều kiện về phòng, chống dịch tại đây đã đảm bảo an toàn. Yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý chợ và UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm sớm trình phương án tổ chức hoạt động trở lại. Trong đó, ngoài việc áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch, quy định “5K”, tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ theo quy định. Cần chú ý việc bố trí luân phiên cho tiểu thương kinh doanh buôn bán, giãn cách các quầy sạp hoặc bố trí cho tiểu thương bán xen kẽ; tổ chức phân luồng, bố trí lực lượng trực kiểm tra xe và người ra vào chợ chặt chẽ… Đối với các đề xuất của Ban Quản lý chợ như: Tạo điều kiện cho những lao động (tiểu thương kinh doanh tại chợ, tài xế chở hàng…) trực tiếp tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu được ưu tiên tiêm văc-xin hay phương án mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa ngay tại chợ nếu tình hình dịch vẫn căng thẳng, đồng chí ghi nhận, yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn, ưu tiên thực hiện.

 

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty  may Tiến Thuận.

Kiểm tra tại Công ty May Tiến Thuận và Tân Tiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc đưa sản xuất trở lại là rất cần thiết, tuy nhiên chỉ được sản xuất trở lại khi đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể: Các doanh nghiệp được hoạt động khi đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” trong việc phòng, chống dịch; đảm bảo thực hiện quy định “5K”; giảm 50% người lao động; đồng thời phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần… Lưu ý, chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch và có xét nghiệm âm tính với COVID-19; ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng… Đồng chí yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ nhân lực và mẫu xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm cho người lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu, tránh tình trạng người lao động đến trung tâm, cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm, mất thời gian và không đảm bảo an toàn.