Sinh năm 1953 tại thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, nhưng ông Đá lại lớn lên tại thôn Thuận Hòa. Năm 1965 ông tham gia hoạt động cách mạng, đến năm 1972 chính thức thoát ly lên chiến khu CK35. Sau khi trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từ tháng 4-1975, ông Nguyễn Văn Đá tiếp tục tham gia truy quét Fulro với cương vị Trung đội trưởng Trung đội Đặc công và bị thương trong một trận đánh vào năm 1979 tại xã Ma Nới (Ninh Sơn). Năm 1982, ông được phục viên, trở về quê nhà Phước Thuận lập gia đình, tiếp tục công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự xã với chức trách Xã đội trưởng và đến năm 1992 mới chính thức nghỉ hưu. Trở lại đời thường, dù trong người vẫn còn vết sẹo đạn bắn trên ngực, sức khỏe suy yếu nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông chuyển đổi mảnh đất trống lúa kém hiệu quả sang trồng nho với diện tích 2 sào. Cây nho trồng trên đất ruộng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên phát triển tốt, giúp ông tăng thu nhập. Từ 2 sào đất lúa ban đầu do HTX nông nghiệp phân, ông Đá tích lũy vốn và mua dần thêm 2 sào đất, nâng diện tích canh tác lên 4 sào, trong đó 2/3 diện tích dành trồng nho và táo.
Ngoài vườn nho, ông Đá còn nuôi thường xuyên 4-5 con bò sinh sản, loại bò lai thể hình lớn. Bò được nuôi nhốt chuồng, mỗi năm đẻ một lứa, cứ thế ông quay vòng vừa bán, vừa nuôi mới. Khoản thu nhập từ trồng nho, nuôi bò cộng với trợ cấp thương binh của ông đã giúp cải thiện đời sống gia đình rất nhiều. Chỉ với 2 bàn tay lao động cần cù, nhờ chịu thương chịu khó, năm 2000 ông Đá đã xây dựng ngôi nhà ở khang trang có diện tích 100 m2, năm 2020 ngôi nhà được xây mở rộng thêm 100 m2. Ông cho biết: Tất cả cơ ngơi có được hôm nay là xuất phát từ trồng nho, nuôi bò, đó là những năm tôi gặp may mắn, nho trồng thu hoạch luôn có giá, đầu ra ổn định. Còn bò xuất chuồng xong thì gầy đàn theo kiểu cuốn chiếu nên lúc nào nhà cũng có bò nuôi. Vừa qua, do dịch COVID-19 ảnh hưởng, ông chặt bỏ 1 sào nho, trồng thay mướp với ý nghĩa cho nghỉ đất, mỗi ngày có thể hái bán 40 kg (1.000-3.000 đồng/kg). Ông dự định sau khi giàn mướp tàn, sẽ trồng lại nho tơ.
Là thương binh, cũng là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phước Thuận, ông Nguyễn Văn Đá được coi là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Trong những năm qua, ông đã góp phần tuyên truyền vận động người dân đoàn kết, tích cực tham gia đóng góp công của thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đối với các quỹ của địa phương như Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng hạ tầng nông thôn, khi có vận động là ông đóng góp ngay. Ông Đá chia sẻ: Nói không phụ, chính nhờ chuyển đổi cây trồng thành công mà tôi nuôi được 2 con trai, 2 con gái ăn học đàng hoàng, nay cả 4 con đều có gia đình riêng, có việc làm ổn định. Bây giờ ngoài công việc sản xuất, tôi lấy công tác xã hội làm niềm vui, hằng ngày thích gặp gỡ các hội viên CCB để bàn bạc việc thôn xóm. Tôi nghĩ là CCB, còn sống ngày nào phải có trách nhiệm đóng góp ngày ấy...
Luôn sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, bên cạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, ông Nguyễn Văn Đá còn phối hợp với Ban công tác Mặt trận, chi hội CCB thôn tham gia giải quyết các vụ việc quan trọng trong thôn, xóm, trong đó đã hòa giải một số vụ tranh chấp đất đai. Nhận xét về ông, anh Trương Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Thương binh Nguyễn Văn Đá là đối tượng chính sách điển hình, đã không dựa dẫm, ỷ lại sự ưu đãi của Nhà nước, ông đã tự thân vươn lên trong cuộc sống và tạo được uy tín trong cộng đồng. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định ở địa phương, được huyện đề nghị tỉnh tặng Bằng khen người có công tiêu biểu năm 2021.
Bạch Thương