Ông Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 15 ngày tại địa phương đã phát sinh gần 100 ca bệnh, theo đó có nhiều trường hợp F1, F2 phải cách ly, bốn khu phố 4, 7, 12 và 13 phải thiết lập vùng phong tỏa, hàng ngàn hộ dân vùng phong tỏa bị ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng cùng tham gia, trong đó có vai trò tích cực của cộng đồng, các tình nguyện viên tại địa phương không quản ngày đêm tham gia hỗ trợ người dân vùng dịch như: Lập danh sách người dân, dẫn đường, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các chốt kiểm soát, vận chuyển lương thực, thực phẩm tới các hộ dân; đây còn là lực lượng tuyên truyền rất gần gũi, hiệu quả các biện pháp phòng dịch, các quy định phong tỏa, cách ly tới người dân trong vùng. Tình nguyện viên Trượng Thị Kim Diên, ở khu phố 12, thị trấn Phước Dân cho biết: Mặc dù đối diện với những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng em xác định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó cũng là trách nhiệm, niềm tự hào của công dân trẻ góp phần vào cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bà con quê hương mình.
Trong trận tuyến phòng, chống dịch tại thị trấn Phước Dân, người dân cảm động trước hình ảnh ông Trần Thanh Sơn, người cựu chiến binh đầy nhiệt huyết. Không ngần ngại khó khăn trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, ngay từ những ngày đầu, ông là người tích cực tham gia vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho địa phương và người dân vùng dịch. Ông cũng là người truyền cảm hứng, động viên tinh thần lực lượng làm nhiệm vụ; tuyên truyền người dân yên tâm, tin tưởng, chấp hành các yêu cầu phòng dịch của địa phương, thực hiện tốt các quy định ở vùng cách ly, phong tỏa.
Những tình nguyện viên tích cực tham gia kiểm soát dịch tại chốt phong tỏa
khu phố 7, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).
Là người có uy tín tại địa phương, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, chị Đàng Sinh Ái Chi đã không ngần ngại xông pha vào tuyến đầu chống dịch. Ngay trong ngày đầu phong tỏa khu phố 7 (Bàu Trúc) và khu phố 12, cũng là giai đoạn nguy cơ dịch bùng phát, lây lan mạnh nhất, nhưng chị Đàng Sinh Ái Chi đã tình nguyện ở hẳn trong khu cách ly với bà con vùng đồng bào dân tộc để vừa chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vừa nắm bắt tâm tư, động viên thăm hỏi bà con, nhắc nhở các hộ dân chấp hành tốt quy định trong vùng dịch; điều phối nhu yếu phẩm thiết yếu và quan tâm những người dân thuộc diện khó khăn, hộ nghèo. Chị Đàng Sinh Ái Chi tâm sự: Dịch bệnh bùng phát nhanh trong cộng đồng, một số hộ dân phải đi cách ly, điều trị. Có hộ chỉ còn người già và trẻ em, gia súc, gia cầm không có người trông coi, chăm sóc. Do đó mình phải quan tâm, vận động người dân và các tình nguyện viên cùng hỗ trợ, lo cơm nước, trông coi nhà cửa, tài sản và chăm sóc vật nuôi để người dân yên tâm điều trị, cách ly. Mặt khác, kịp thời động viên tinh thần để mọi người thêm yên tâm, đồng lòng tin tường vào sự hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch.
Không chỉ có những tình nguyện viên, cán bộ, chiến sĩ đầy trách nhiệm, biết cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của người khác, mà nhiều hộ dân tại Ninh Phước tuy còn nhiều vất vả nhưng đã luôn biết sẻ chia và phát huy trách nhiệm với cộng đồng. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Phi Long, ở thị trấn Phước Dân làm nghề lái xe chuyên chở hàng hóa, nhưng do dịch COVID-19 khiến công việc trở nên khó khăn, thu nhập bấp bênh. Khi địa phương xảy ra dịch bệnh cần sự giúp đỡ, anh đã tự lái chiếc xe tải nhỏ của mình, tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng dịch.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và chính quyền địa phương về tinh thần chung tay giúp đỡ các địa phương vùng dịch, có nhiều hộ dân thu hoạch nông sản của gia đình gửi vào chia sẻ cho các địa phương vùng bị phong tỏa. Anh Phạm Hiếu, ở thôn An Thạnh, xã An Hải có 2 sào ổi đang vào mùa thu hoạch, anh đã nhờ người hái cả vườn được hơn 5 tạ để chuyển đến cho người dân đang cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 896 và khu vực phong tỏa thị trấn Phước Dân. Hay chị Lương Thị Mỹ Hoa, ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu đã hái những giỏ táo vườn nhà gửi tặng người dân vùng dịch. Có những giáo viên tình nguyện tham gia nấu cơm để phục vụ các suất ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch. Cô Thọ Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp không chỉ cùng các đồng nghiệp đóng góp 4 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch của địa phương mà còn tích cực tham gia nấu ăn phục vụ cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch và người dân khu vực bị phong tỏa. Chị Huỳnh Thị Bích Linh, ở thị trấn Phước Dân đã chở 500 kg gạo đến hỗ trợ cho người dân trong khu vực phong tỏa, với mong muốn những đóng góp của mình sẽ góp phần tạo thành sức mạnh đẩy lùi đại dịch COVID-19. Không ai bảo ai, mỗi người dân đều đồng cảm, ý thức được trách nhiệm đồng hành cùng với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Phước, trong đợt dịch lần này, địa phương đã vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ để cùng với chính quyền địa phương có thêm điều kiện phòng, chống dịch. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ tiếp nhận qua kênh Mặt trận huyện trên 150 triệu đồng, đã được chuyển vào tài khoản Kho bạc Nhà nước để thực hiện chi phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đối với toàn bộ số hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng được hỗ trợ là hiện vật, chính quyền địa phương đều lập danh sách, phân về các cơ sở, các khu vực cách ly, phong tỏa để kịp thời hỗ trợ đến tận tay người dân. Qua khó khăn, tình người càng trở nên ấm áp, những hành động đẹp càng thêm sức lan tỏa vì một tinh thần chung quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19.
Mai Phương