Quan điểm dân chủ trong cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề đặt ra

(NTO) Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là toàn bộ những thiết chế thể hiện và đảm bảo quyền lực xã hội thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời trên cơ sở kế thừa các giá trị dân chủ của các xã hội trước đó, là nền dân chủ rộng rãi, mang tính toàn diện, được thực hiện thông qua hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, trước hết là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, thu hút nhân dân lao động tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm phục vụ cho lợi ích của đại đa số nhân dân lao động và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động cả về mặt pháp lý cũng như trên thực tế.

Ở Việt Nam, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện ngay sau khi nhân dân ta giành được độc lập dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và phát triển đặc biệt trong công cuộc đổi mới. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI đã khẳng định mục tiêu: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;”. Trong khẳng định trên có hai quan điểm mới quan trọng đã được bổ sung và phát triển so với Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 và Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Một là đưa cụm từ dân chủ lên trước cụm từ công bằng, văn minh. Điều đó có ý nghĩa quan trọng là Đảng ta đã xác định vị trí của việc thực hiện dân chủ trong quá trình phát triển xã hội. Để có xã hội dân giàu, nước mạnh thì trước hết cần phải bảo đảm trong xã hội xã hội chủ nghĩa có dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và đó là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để xây dựng xã hội có công bằng, văn minh và Hai là khẳng định đặc trưng quan trọng trong xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là xã hội do nhân dân làm chủ, thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ đó, Cương lĩnh xác định phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu dân chủ là phải: “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất”. Cương lĩnh chỉ rõ rằng Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Để đạt được điều đó, Cương lĩnh xác định cần: “Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm” với phương thức thực hiện dân chủ là: “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”. Như vậy, Cương lĩnh đã xác định lại vị trí của việc thực hiện dân chủ trong mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xác định phương hướng cơ bản để thực hiện được mục tiêu dân chủ đó, cũng như xác định bản chất và những phương thức cụ thể trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội Việt Nam trong điều kiện mới, mà việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân vì nhà nước đó sẽ bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Thiết thực thực hiện những quan điểm, nội dung mới, cụ thể về xây dựng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh nêu trên, trong hoạt động thực tiễn cần vận dụng linh hoạt, khéo léo quan điểm, mà nhất là vận dụng tốt trong đợt bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là cuộc sinh hoạt chính trị lớn ở Việt Nam nhằm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân lao động trong việc bầu ra những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mọi người dân, qua đó thực hiện quyền dân chủ gián tiếp, thông qua các đại biểu do nhân dân bầu ra để xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cả bộ máy nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ trung ương đến địa phương, góp phần xây dựng và hoàn thiện giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Muốn phát huy tính tự chủ, tự giác của nhân dân lao động cần thực hiện tốt công tác vận động, tuyền truyền của cả hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức, nhất là cần chú ý nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong công tác bầu cử. Các cấp chính quyền cần chú trọng công tác tổ chức cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua việc thực hiện tốt các quy trình trong công tác bầu cử. Trong thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải là những tấm gương sáng trong thực hiện và bảo vệ quyền dân chủ. Những hoạt động đồng bộ đó là những yếu tố quan trọng nhằm thực hiện thành công cuộc bầu cử sắp tới, thiết thực thực hiện thành công Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI đã đề ra.