Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân về các vấn đề: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác phòng, chống dịch COVID-19; về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; về kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 nội dung. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với nhân dân: Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.
Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; chú trọng giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm và công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sớm có đề án tổng thể và nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với nền kinh tế số. Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực, hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Chính phủ cần chú trọng xây dựng các chính sách và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước; có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vaccine phòng COVID-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính phủ cần quản lý, kiểm soát tất cả các hoạt động mua sắm và phân phối vaccine; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sửa dụng vaccine; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, nguồn vaccine; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá dự thảo báo cáo tổng hợp nhiều nội dung mà cử tri, nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, báo cáo cần khái quát hơn, phản ánh sâu sắc hơn về việc nhân dân vui mừng phấn khởi về thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử vừa qua; công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện “nhiệm vụ kép”...
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Báo cáo cần bổ sung ý kiến đánh giá của dư luận nhân dân về công tác bầu cử; công tác phòng, chống dịch COVID-19, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19; kỳ vọng của cử tri và nhân dân vào nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo báo cáo, đánh giá cao Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Báo cáo đã tổng hợp các nhóm ý kiến khá toàn diện, sát tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Bên cạnh những mặt được, dự thảo báo cáo cũng nêu lên nhiều vấn đề phải có giải pháp giải quyết kịp thời, nhất là các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với 5 nhóm nội dung kiến nghị, đề xuất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là các vấn đề hệ trọng, có nội dung liên quan đời sống của người dân cần triển khai ngay, có vấn đề cần có lộ trình triển khai trong cả nhiệm kỳ, nhiều nội dung gắn với các vấn đề lớn sẽ được quyết định tại kỳ họp sắp tới. Với tinh thần phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này; rà soát, đánh giá kỹ toàn diện các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm để hoàn chỉnh báo cáo.
Theo TTXVN/Báo Tin tức