Giá phân bón tăng, nông dân gặp khó

Trong khi giá cả đầu ra nhiều loại nông sản sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì giá các loại phân bón tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè - thu của nông dân.

Giá phân bón tăng kỷ lục

So với cách nay khoảng 1 tháng, giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP, Kali... tăng thêm 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Hiện tại, giá Urê Phú Mỹ bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở mức 580.000-590.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng hơn 260.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020 và cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá nhiều loại DAP nhập khẩu đang ở mức 800.000-850.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm trước. Giá NPK Đầu Trâu 20-20-15 và NPK Đầu Trâu 20-20-15 +TE đang ở mức từ 740.000-770.000 đồng/bao. Phân Kali (Israel, Canada, Nga...) có giá từ 480.000-520.000 đồng/bao. Anh Điền Nguyễn Nhật Minh, chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp ở thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Giá nhiều loại phân bón không chỉ liên tục tăng cao mà việc lấy hàng cũng gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nhiều đầu mối kinh doanh thông báo không có sẵn nguồn hàng số lượng lớn để giao ngay cho cửa hàng bán lẻ.

Nhiều người kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dự đoán thời gian tới giá phân bón có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao do giá phân bón trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, chi phí sản xuất nhiều loại phân bón trong nước tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu nhập khẩu. Mặt khác, chi phí vận chuyển phân bón và các loại hàng hóa nói chung cũng tăng do giá xăng dầu trong nước đang tăng. Đặc biệt, hiện việc vận chuyển phân bón từ các nhà máy và các đầu mối kinh doanh đến các cửa hàng bán lẻ tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa buộc phải điều chỉnh tăng giá nhằm bù vào các chi phí phát sinh.

Thấp thỏm vụ hè - thu

Hiện nay, diện tích lúa vụ hè - thu trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh, nông dân đang tiến hành bón thúc đợt 1. Với việc giá nhiều loại phân bón đã liên tục “leo thang” khiến nông dân không khỏi lo lắng về gánh nặng chi phí sản xuất sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Ông Châu Văn Tho, nông dân thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) lo lắng: Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng cao như năm nay. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân Urê đã tăng gần gấp đôi. Giá thuê mướn nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất cũng tăng, nhất là gần đây giá xăng dầu liên tục nhích lên. Thế nhưng, giá lúa tại nhiều địa phương lại đang giảm. Do vậy, để có lời, nông dân rất mong lúa trong vụ hè - thu được trúng mùa.

Để vượt qua cơn “bão giá” các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Bà con nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân; đúng nhu cầu sinh lý của cây; đúng nhu cầu sinh thái; đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ. Tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp như lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ... để ủ phân, tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.