Ông Trần An, khu phố 10, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có điều kiện kinh tế khó khăn. Năm 2019, nhờ hướng dẫn của HND thị trấn, ông làm hồ sơ tham gia Dự án chăn nuôi dê vỗ béo và được vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh mua dê vỗ béo. Trong quá trình tham gia thực hiện dự án, ông An được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình phát triển đàn gia súc. Ông còn trồng cỏ, tận dụng lá táo làm thức ăn cho gia súc. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn muôi, dê của gia đình ông phát triển tốt... sau khi xuất chuồng cho lợi nhuận đáng kể, cải thiện cuộc sống.
Mô hình nuôi dê vỗ béo của Hội Nông dân thị trấn Phước Dân.
Ông Trần Văn Lợi, Chủ tịch HND thị trấn Phước Dân cho biết: Căn cứ tình hình thực tế và qua trải nghiệm nhiều năm thực hiện mô hình, dự án, HND thị trấn duy trì và phát huy tổ nông dân liên kết để phát triển chăn nuôi đàn gia súc có sừng theo tiêu chí "5 cùng". Kết quả, các sản phẩm có chất lượng tốt, doanh thu lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập các hộ tham gia dự án. Riêng với Dự án chăn nuôi dê vỗ béo, tháng 6-2019, đã có 31 hộ được vay tổng số 775 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Sau khi vay vốn, cộng với vốn đối ứng, các hộ đã mua tổng cộng 465 dê cái tơ. Kết thúc sau 2 năm thực hiện dự án, bình quân mỗi hộ thu lãi trên 130 triệu đồng.
Ngoài Dự án chăn nuôi dê vỗ béo thị trấn Phước Dân, thời gian qua, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp HND trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ hội viên, nông dân. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, HND tỉnh đã giải trên 4,7 tỷ đồng cho 174 hộ nông dân vay vốn thực hiện 16 dự án sản xuất, kinh doanh. Để giúp bà con có thêm nguồn vốn sản xuát, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với các ngân hàng giúp bà con vay vốn. Đến nay, dư nợ các chương trình ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến trên 605 tỷ đồng; vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 1.114 tỷ đồng... Điều đáng ghi nhận đó là trước khi phối hợp hỗ trợ vốn cho bà con, HND xem xét, hướng dẫn, giúp bà con xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh có chất lượng, mang tính khả thi cao; trong quá trình thực hiện dự án luôn bám sát, kiểm tra để bà con thực hiện đúng dự án đã được xây dựng; cùng với các cơ quan chuyên môn giúp bà con tiếp cận khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn bà con thực hiện tốt quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Do đó, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, kết quả dự án mang lại đạt hiệu quả cao, giúp bà con thu lợi nhuận, nâng cao thu nhập và thanh toán nguồn vốn vay đúng thời hạn.
Ngoài hỗ trợ về vốn, kỹ thuật thông qua các dự án sản xuất, HND tỉnh còn tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới. Đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức thực hiện với 8 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 520 hội viên về kỹ thuật trồng táo VietGAP, táo bao lưới, nuôi bò, dê, cừu... Ngoài ra, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ: Tham gia triển khai chương trình phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc thù, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ các đơn vị kinh doanh, HTX đưa sản phẩm nông nghiệp vào các điểm bán hàng OCOP của tỉnh, các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm đặc thù, đặc sản... góp phần giúp bà con nâng cao giá trị, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân. Để giúp bà con triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất, thời gian tới, ngoài chủ động phối hợp hỗ trợ bà con về vốn, Hội tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt ứng dụng sản xuất công nghệ cao; đặc biệt nghiên cứu các giải pháp giải quyết một số khó khăn cho bà con như: Nâng cao chất lượng cây giống; giải quyết vấn đề về thức ăn cho gia súc trong điều kiện đồng cỏ chăn thả bị thu hẹp như hiện nay; tìm đầu ra cho sản phẩm... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm tính bền vững trong phát triển sản xuất, giúp bà con cải thiện thu nhập, đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Uyên Thu