Quy định số 11 quy định các tiêu chí về trường chính trị chuẩn, áp dụng đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan. Có 2 mức độ trường chính trị chuẩn, gồm chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Trường chính trị chuẩn mức 2 đạt các chỉ tiêu cụ thể của từng tiêu chí cao hơn so với chuẩn mức 1. Có 6 tiêu chí đánh giá trường chính trị chuẩn, gồm: Thể chế, quy định; đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính. Mục đích công nhận trường chính trị chuẩn nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham gia thảo luận tại Hội nghị.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề xuất 3 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống trường chính trị địa phương: Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cần có đề án, trong đó đề ra các mục tiêu, lộ trình chính thức xây dựng trường chính trị chuẩn trên toàn quốc, trước mắt đến năm 2025, giúp cho các địa phương có căn cứ xây dựng lộ trình riêng, bố trí nguồn lực, cũng như kế hoạch đào tạo… nhằm chuẩn hóa trường chính trị tại địa phương. Trong công tác đào tạo, giảng dạy, cần quan tâm đến phát triển, chia sẻ thông tin từ thư viện số, giúp cho cán bộ, giảng viên, học viên tiếp cận dễ dàng, kịp thời, đầy đủ tài liệu học tập, giảng dạy. Ngoài ra, cần đề ra chính sách thu hút đội ngũ giảng viên giỏi; tăng cường công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên, đây là yếu tố hết sức quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động, chuẩn hóa hệ thống trường chính trị địa phương.
Uyên Thu