Số tiền đã chuyển vào Quỹ kể trên do 355.496 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, dự kiến trong tháng 7/2021, Quỹ sẽ chi gần 2.000 tỷ đồng cho việc mua vaccine theo đề nghị của Bộ Y tế, một phần trích dự phòng thanh khoản, số tiền còn lại sẽ được gửi vào các ngân hàng thương mại theo quy định.
Công chức, viên chức trong thành phố Kon Tum (Kon Tum) ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Ông Lưu Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) cho biết, theo quy định, số tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng COVID-19 dự kiến sẽ được gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ. Điều này đã được quy định tại Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Cùng với đó, quy trình lựa chọn ngân hàng thương mại của Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và Thông tư 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 hướng dẫn Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
Hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Theo TTXVN/Báo Tin tức