Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, do dịch COVID-19 toàn tỉnh có 1.680 LĐ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, khó khăn trong cuộc sống. Nhằm hỗ trợ người LĐ tiếp cận với cơ hội việc làm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hỗ trợ 1.422 lao động bị ảnh hưởng; đồng thời, vận động người LĐ tham gia học nghề, trang bị những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng LĐ.
Với vai trò là cầu nối, hỗ trợ người LĐ trở lại thị trường LĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho LĐ; tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với gần 10.000 lượt LĐ. Đối với hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, đã có 4.472 lượt người tham gia, trong đó có 1.278 lượt người tham gia tư vấn xuất khẩu LĐ ở nước ngoài. Đối với đối tượng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho 5.433 lượt người.
Doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn người lao động tại các phiên giao dịch việc làm
do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: Minh Thương
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động tại các cụm xã, các trường THPT trên địa bàn tỉnh, qua đó thu hút được đông đảo lực lượng LĐ, học sinh, sinh viên tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là triển khai công tác phòng, chống dịch gắn với hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn cũng như các chỉ tiêu được giao.
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hỗ trợ, giải quyết gần 6.500 việc làm mới cho LĐ, đạt 40,15% kế hoạch năm và bằng so với cùng kỳ. Trong đó, giải quyết việc làm 2.319 LĐ trong tỉnh, 4.089 LĐ ngoài tỉnh, 15 người xuất khẩu LĐ.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thì công tác kết nối việc làm cho người LĐ gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ LĐ tìm được việc làm qua Trung tâm DVVL chỉ đạt 6,3%; kết nối có việc làm 315/1.000 người, đạt 31,5%. Chia sẻ về khó khăn này, theo ông Phan Thanh Sơn, chất lượng hoạt động sàn giao dịch việc làm chưa được nâng cao nên tỷ lệ LĐ có việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm chưa nhiều. Mặt khác, một số tỉnh, thành phố phía Nam cần nhiều LĐ như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên Trung tâm không giới thiệu người LĐ của tỉnh đến những địa phương này làm việc.
Trước thực trạng trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu giải quyết việc làm cả năm theo kế hoạch. Thực hiện tốt công tác chăm sóc doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và các cơ sở dạy nghề. Phấn đấu kết nối ít nhất 5 đến 6 doanh nghiệp tham gia tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo cụm dân cư ở các huyện, thành phố để tạo nguồn phục vụ cho công tác cung ứng, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người LĐ. Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện Quy chế hoạt động của Fanpage Trung tâm DVVL tỉnh nhằm nâng cao chất lượng thông tin thị trường LĐ cho người LĐ.
Anh Thi - Ngọc Diễm