Đồng chí Đặng Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Bắt đầu từ ngày 2-7-2021, Thông tư số 31/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản rủi ro trong quản lý thuế (Thông tư số 31) có hiệu lực thi hành. Thông tư số 31 có nhiều thay đổi so với Thông tư số 204/2015/TT-BTC, nhằm giúp cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh cần nắm bắt, thực hiện đúng quy định.
Cụ thể, Thông tư số 31 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế với phạm vi điều chỉnh của cơ quan thuế các cấp, nhằm thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế (NNT) phục vụ quản lý rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT; và dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro NNT.
Về nguyên tắc quản lý rủi ro, bổ sung một số nguyên tắc rủi ro (Điều 4 Thông tư số 31): Việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro NNT được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn NNT, các tiêu chí quy định tại Thông tư và cơ sở dữ liệu về NNT.
Về phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT: Bổ sung (Điều 5 Thông tư số 31) quy định về phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT và bổ sung phương pháp học máy bên cạnh phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm và phương pháp xếp hạng theo danh mục.
Về thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro, Thông tư đã kết cấu lại theo 3 mục sau: Thứ nhất là thông tin quản lý rủi ro (Điều 7 Thông tư số 31); thứ hai là nguồn thông tin, hình thức thu thập thông tin và xử lý thông tin (Điều 8 Thông tư số 31); thứ ba là ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro (Điều 9 Thông tư số 31).
Tiêu chí, chỉ số: Quy định các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro NNT trong Thông tư (tại các Phụ lục I, II, III) đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá NNT, đồng thời cũng để NNT tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.
Các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, rủi ro NNT: Mức độ tuân thủ pháp luật thuế có 4 mức độ: mức 1 tuân thủ cao; mức 2 tuân thủ trung bình; mức 3 tuân thủ thấp; mức 4 không tuân thủ. Bổ sung mức 4 để phù hợp theo tiếp cận của OECD (Tổ chức phát triển kinh tế) với 4 tầng mô hình tuân thủ tương ứng 4 mức độ tuân thủ-là mô hình đã được áp dụng ở Cơ quan thuế của nhiều quốc gia.
Phân loại rủi ro NNT là doanh nghiệp theo 5 hạng: Hạng 1 NNT rủi ro rất thấp; hạng 2 NNT rủi ro thấp; hạng 3 NNT rủi ro trung bình; hạng 4 NNT rủi ro cao; hạng 5 NNT rủi ro rất cao. Bỏ hạng 6 (NNT thành lập dưới 12 tháng), sẽ phân loại giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.
Phân loại mức độ rủi ro NNT có 3 mức: Rủi ro cao; rủi ro trung bình; rủi ro thấp. Quy định thống nhất việc phân loại mức độ rủi ro NNT thành 3 mức rủi ro.
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT trong quản lý thuế: Bổ sung việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT là cá nhân. NNT được xem xét đánh giá theo thứ tự từ đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đến đánh giá rủi ro tổng thể NNT và theo yêu cầu công tác quản ly thuế trong từng thời kỳ, NNT là doanh nghiệp thuộc các mức rủi ro có thể tiếp tục được phân loại rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Trong đó, kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau.
Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế: NNT thuộc các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng; bổ sung quy định về trường hợp có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vị phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (Điều 13 Thông tư số 31).
Bổ sung các biện pháp ứng xử của cơ quan thuế đối với từng mức độ rủi ro NNT là cá nhân theo các khoản thu nhập (Điều 15 Thông tư số 31), đối với: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh); cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Ngoài ra, còn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế (Điều 16 Thông tư số 31); trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế (Điều 17 Thông tư số 31); trong hoàn thuế (Điều 18 Thông tư số 3l); trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của NNT (Điều 19 Thông tư số 31), trong quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế (Điều 20 Thông tư số 31); trong quản lý hóa đơn, chứng từ (Điều 21 Thông tư số 31); quy định về kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với NNT có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế (Điều 22 Thông tư số 31).
Bổ sung mới quy định về kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ.
Thông tư số 31 được xây dựng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quản lý rủi ro trong quản lý thuế, và đem lại lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng NNT và các tổ chức, cơ quan liên quan.
Bình An