Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác, họ luôn là những người thức khuya, dậy sớm, cặm cụi, cần mẫn, không được lơ là, chểnh mảng. Bởi công việc của họ tuy trông qua có vẻ nhàm chán, nhưng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Nhìn qua thấy vậy nhưng thực tế không đơn giản chút nào, đó là công việc thầm lặng của những nhân viên, chiến sĩ nấu ăn.
Nhân viên nấu ăn bếp ăn Cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chế biến và nấu thức ăn phục vụ bộ đội.
Những nhân viên nấu ăn (NVNA) được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gọi chung một cái tên trìu mến là “anh nuôi”. Gọi là “anh nuôi” nhưng phần lớn nhân viên nấu các bếp ăn trong LLVT tỉnh đều là nữ. Một ngày đầu tháng 6, theo đoàn kiểm tra của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh kiểm tra toàn diện các mặt công tác các đơn vị trong 6 tháng đầu năm. Có dịp đến bếp ăn của Tiểu đoàn BB610, bếp ăn Trung đoàn BB896, chứng kiến công việc của những “anh nuôi” mới thấy hết sự vất vả, thấy hết cái tình, cái tâm của các chị. Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Thị Dung, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Kim Liên, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hòa…, những “anh nuôi” của đơn vị, mồ hôi đẫm áo trong cái nóng bức mùa hè đang tất bật, tỉ mẩn với nào rau, cá, thịt với đủ các loại gia vị, thứ nào ra thứ ấy, gọn gàng, ngăn nắp. Thượng tá Đậu Ngọc Tân, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn BB896 cho biết: Bếp ăn của Tiểu đoàn BB610 hiện tại chỉ có 4 NVNA và 2 chiến sĩ, mỗi bữa ăn phải phục vụ trên 200 suất cơm. Thời gian này đơn vị còn phải bảo đảm ăn cho những người cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vì vậy bộ phận phục vụ rất vất vả, có thời điểm chỉ huy đơn vị phải tăng cường thêm một số chiến sĩ phục vụ bếp ăn. Tuy vất vả nhưng điều quan trọng là chị em phục vụ không bao giờ kêu ca, phàn nàn, luôn bảo đảm “cơm ngon, canh ngọt”, vui vẻ, nhiệt tình, đầy trách nhiệm.
Ngày ba bữa phục vụ hàng trăm suất ăn, lại là công việc “làm dâu trăm họ”, khẩu vị ăn của nhiều đối tượng, chua, cay, mặn, nhạt khó chiều. Đâu đó vẫn còn những ý kiến chưa hay, nhưng những “anh nuôi” vẫn luôn nhẹ nhàng, tiếp thu, chia sẻ. Chỉ tay về câu khẩu hiệu “Thao trường anh đổ mồ hôi, cơm ngon canh ngọt bếp tôi sẵn sàng” trước cửa nhà ăn, Đại úy QNCN Phạm Thị Dung vui vẻ: So với hoạt động huấn luyện, rèn luyện của bộ đội trên thao trường, bãi tập thì công việc phục vụ ở bếp có đáng gì đâu, thấy các anh ăn ngon miệng, bảo đảm sức khỏe là chúng em vui rồi. Còn Đại úy QNCN Lê Thị Hiền, NVNA bếp ăn Cơ quan Bộ CHQS tỉnh thì chia sẻ thêm: Nhiệm vụ của chúng em không chỉ có đáp ứng yêu cầu về chất lượng bữa ăn mà còn phải bảo đảm thời gian, giờ giấc. Những ngày trực cao điểm, quân số tăng đông, lượng bảo đảm lớn, chúng em phải đẩy nhanh cường độ làm việc, miễn làm sao để hết giờ làm việc là có cơm ăn sẵn sàng cho bộ đội.
Đánh giá về những người phục vụ trong các bếp ăn của các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh, Thiếu tá Phạm Sơn, Trưởng ban Quân nhu, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Theo quy định của ngành Hậu cần, mỗi bữa ăn ở bếp đơn vị, ngoài cơm và canh phải đạt ít nhất 3 món ăn chính (thịt, cá…) và 1 món ăn phụ (rau); các món ăn chế biến phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn về định lượng và chất lượng. Mỗi NVNA phải phục vụ từ 20-25 người, chia ăn theo định suất. Qua kết quả các hội thi nấu ăn, qua thực tế theo dõi, kiểm tra, nhận xét, đánh giá của ngành thì 100% NVNA các bếp ăn trong LLVT tỉnh đều có chuyên môn cao, phần lớn đều qua đào tạo trung cấp nấu cơm trong quân đội, có tinh thần thái độ phục vụ tốt, trách nhiệm cao, tận tâm, tận tụy với công việc. Góp phần để các bếp ăn đều đạt tiêu chuẩn “quản lý bếp, NVNA giỏi"…
Được biết những năm qua, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm động viên, khen thưởng hướng về cơ sở, về những người lao động trực tiếp. Vì vậy nhiều NVNA trong LLVT tỉnh nhận được nhiều danh hiệu, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trong phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhân Đức