Ghi nhận tại khu K1, một số tuyến đường Ngô Gia Tự, Hồ Xuân Hương, 21 Tháng 8, 16 Tháng 4, Thống Nhất… hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Khu K1 là khu vực kinh doanh ăn, uống sầm uất của thành phố. Tuy nhiên, mấy ngày qua quán cóc vỉa hè đa phần đóng quầy, tạm dừng hoạt động. Một số mở bán thì chỉ có quầy bán, phục vụ khách mang về. Những quán có giấy phép kinh doanh được phép phục vụ tại chỗ thì chỉ lác đác 5 - 7 khách. Chị Nguyễn Thị Hoài Diễm, quản lý quán cà phê Trung Nguyên E Coffe tại khu K1, cho biết: Chúng tôi chấp hành nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 như: Sắp xếp lại bàn ghế đảm bảo khoảng cách, bố trí nước sát khuẩn tại cửa ra vào để phục vụ khách hàng, phục vụ không quá 10 người. Để duy trì việc kinh doanh, quán chuyển sang bán mang về và giao hàng tận nơi dù chỉ 1 ly cà phê. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương nên người dân cũng e ngại ra đường nên lượng khách giảm rõ rệt.
Nhiều hộ kinh doanh tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thực hiện nghiêm Công điện 2628 của UBND tỉnh.
Trong khi đó, trên tuyến đường Hồ Xuân Hương, nơi thường ngày vốn tấp nập khách thì nay cũng trở nên im ắng. Các quán lần lượt thu dọn bàn ghế xếp gọn gàng và treo thông báo bán mang về. Tương tự, quán Cơm Tấm 161 trên đường Ngô Gia Tự mấy ngày nay cũng treo biển “Bán mang về mong quý khách thông cảm”. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chủ quán chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày quán phục vụ tại chỗ hàng trăm lượt khách. Thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của UBND tỉnh, quán chỉ phục vụ tại chỗ dưới 10 người/lượt và chủ yếu chuyển sang hình thức bán mang về hoặc giao hàng tận nơi với số lượng lớn trên 10 hộp trong địa bàn thành phố. Chồng chị là người hỗ trợ trong việc sắp xếp, bố trí chỗ ngồi, xếp hàng cho khách khi ăn và đứng chờ lấy hàng. Chị cũng chuẩn bị thêm một hộp khẩu trang để phát cho khách đến mua cơm nhưng thiếu khẩu trang. Việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhưng chị vui vẻ chấp nhận vì biết rằng đợt dịch này quá nguy hiểm, ưu tiên cho phòng, chống dịch luôn đặt lên hàng đầu.
Điều dễ nhận thấy là từ sau khi có Công điện số 2628/CĐ-UBND của UBND tỉnh, hầu như các cơ sở kinh doanh ăn, uống đã linh hoạt chuyển đổi hình thức, thích ứng rất nhanh với tình hình mới. Phổ biến là chuyển sang bán mang về hoặc giao hàng tận nơi. Các quán cóc vỉa hè dường như không còn bày bán tại chỗ. Một số quán tuy vẫn đủ điều kiện phục vụ tại chỗ nhưng vì không yên tâm nên cũng chuyển hẳn sang bán mang về.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức, để phòng, chống dịch hiệu quả, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố đã tạm thời tạm ngừng kinh doanh. Nhà hàng Chốn Quê là một trong số đó. Dù là địa chỉ quen thuộc, nổi tiếng của nhiều thực khách trên địa bàn tỉnh với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch khi kinh doanh nhưng ngay sau khi có Công điện 2628 của UBND tỉnh, nhà hàng này đã tạm ngưng hoạt động. Trước đó, đơn vị đã chuyển đổi trạng thái từ bình thường, sang hạn chế lượng khách cùng lúc, kèm theo bán mang về và giao hàng tận nơi.
Theo một số chủ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán nước, điều may mắn là sau nhiều lần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên diện rộng với nhiều cấp độ khác nhau, đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã thích ứng tốt với các phương án đưa ra. Bên cạnh đó, ý thức về phòng, chống dịch của người dân cũng đã tăng lên rất nhiều. Dù giảm thu rõ rệt nhưng vì sức khỏe của chính mình và của cộng đồng nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Anh