Theo Bộ Y tế, việc khai báo y tế điện tử, sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần và kiểm soát người vào - ra các địa điểm công cộng bằng mã QR Code được áp dụng cho người dân; các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí và nơi tập trung đông người.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế nhằm phát hiện tiếp xúc gần, nhất là tại tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại các cảng hàng không, trên các phương tiện giao thông công cộng...
Các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm có: Ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration), tokhaiyte.vn, Bluezone, NCOVI.
Sử dụng khai báo y tế trên Bluezone.
Trong đó, ứng dụng VHD và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc); ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR Code cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học…
Ứng dụng Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng này cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
Ứng dụng NCOVI cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR Code. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth.
Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
Người dân cũng cần dùng mã QR Code được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về những thông tin mình khai báo. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân có thể dùng điện thoại quét mã QR Code tại điểm đó.
Trong lần đầu khai báo y tế điện tử, người dân khai tại một trong các ứng dụng khai báo y tế. Sau khi khai, người dân nhận mã QR Code của hệ thống tạo ra để phục vụ dùng khai báo y tế về sau.
Khi cần cập nhật khai báo y tế, người dân có thể khai báo, cập nhật thông tin trên web hoặc trên các ứng dụng. Ở những lần khai báo sau, người dân không phải khai lại các thông tin chung mà chỉ cần cập nhật thông tin về triệu chứng hay dịch tễ của 21 ngày gần nhất.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có smartphone nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch COVD-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn.
Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong lĩnh vực được giao quản lý trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.
Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện nghiêm hướng dẫn.
Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), tất cả dữ liệu khai báo y tế sẽ được tập trung vào hệ thống xử lý dữ liệu do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, không còn phân tán dữ liệu tại các đơn vị quản lý ứng dụng như trước đây.
Theo TTXVN/Báo Tin tức