Khan hiếm nguồn công nhân, lao động
Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tổ chức từ sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, hơn 4.000 vị trí việc làm được các DN thông báo cần tuyển dụng. Cụ thể, Công ty Cổ phần May Ninh Phước đăng tuyển 300 công nhân may; Công ty TNHH Dịch vụ cung ứng lao động Ninh Thuận cần tuyển 80 người; Công ty TNHH Hướng Dương Farm có nhu cầu tuyển dụng 80 người; Dự án Adani Phước Minh đăng tuyển gần 30 người; Công ty Cổ phần Mũi Dinh Ecopark cần tuyển hơn 20 LĐ; Công ty TNHH Yến Sào Ninh Thuận tuyển dụng hơn 20 LĐ..., một số công ty ở Bình Dương gửi thông tin tuyển dụng trên 1.400 LĐ có tay nghề. Nhu cầu tuyển dụng của DN cũng đa dạng về trình độ LĐ như: Công nhân may có tay nghề, chuyên viên nhân sự, quản lý, nhân viên thị trường, nhân viên kinh doanh, tư vấn bán hàng, thợ cơ khí, lái xe, lao động phổ thông... Mức lương các DN đưa ra dao động từ 5-15 triệu đồng/tháng tùy vị trí việc làm, kèm theo các chế độ đãi ngộ dành cho LĐ ở xa, LĐ có nhiều kinh nghiệm... Số lượng LĐ cần tuyển dụng nhiều, chế độ làm việc hấp dẫn, nhưng số lượng nhân công mà DN tuyển được rất thấp so với kế hoạch.
Doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn người lao động tại các phiên giao dịch việc làm do
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.
Trên thực tế, số LĐ được tuyển dụng từ đầu năm đến nay chiếm chưa đến 10% chỉ tiêu tuyển dụng của DN. Đồng chí Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Hiện nhiều DN vẫn thiếu trầm trọng LĐ, nhất là ngành may mặc, năng lượng, xây dựng hạ tầng. Mặc dù Trung tâm đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trong tỉnh, tuy nhiên tình trạng tuyển dụng LĐ vẫn còn rất khó khăn do LĐ địa phương không đáp ứng đủ.
Đa dạng hình thức tuyển dụng
Ngoài các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức, nhiều DN đã triển khai các hoạt động tiếp cận LĐ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý PNJ Phú Nhuận khu vực Ninh Thuận tổ chức tuyển dụng LĐ thông qua hình thức đăng tải thông tin trên Facebook, website của DN, tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp tại Ngày hội việc làm do DN phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức. Để có nguồn LĐ, Công ty Cổ phần May Ninh Phước đã gửi thông báo tuyển dụng đến tận các thôn, xã; khuyến khích công nhân đang làm việc tại Công ty đăng tải thông tin tuyển dụng lên các trang mạng xã hội cá nhân, treo thưởng cho nhân viên, người LĐ trong Công ty khi họ giới thiệu được LĐ mới vào làm việc. Nhiều DN cử nhân viên phụ trách tuyển dụng đi về các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền và tuyển dụng trực tiếp vào các ngày cuối tuần, tuy nhiên số lượng người LĐ tuyển được cũng rất ít.
Lý giải việc khan hiếm LĐ, đồng chí Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Sau tết Nguyên đán, số LĐ nghỉ làm, chuyển việc khá cao nên các DN phải tuyển lại để bù vào khoảng trống đó. Ngoài ra, một số DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển quy mô, nhận thêm đơn hàng, mở thêm xưởng mới... nên cần tuyển thêm số lượng LĐ lớn. Tuy nhiên, thời điểm này rất khó tuyển dụng LĐ bởi DN ngày càng nhiều mà ứng viên thì ít bởi đa phần người LĐ còn tâm lý lo sợ dịch bệnh. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường các biện pháp để bảo đảm hoàn thành kế hoạch, cũng như hỗ trợ giải quyết việc làm cho LĐ trong tỉnh; tiếp tục thực hiện thu thập và cung cấp thông tin thị trường LĐ cho người LĐ; triển khai kế hoạch thực hiện tư vấn hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo cụm dân cư ở các huyện, thành phố để tạo nguồn phục vụ cho công tác cung ứng, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người LĐ; duy trì các hoạt động giao dịch việc làm truyền thống, phát triển mô hình giao dịch việc làm lưu động và giao dịch trực tuyến, đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Minh Thương