Xuất khẩu thủy sản đã có sự bứt phá trở lại với sự tăng trưởng khá trong 4 tháng đầu năm khi đạt 2,39 tỷ USD về kim ngạch và tăng trên 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng diễn ở nhiều mặt hàng và nhiều thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam. Kết quả này minh chứng các doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do cũng như xử lý tốt hơn các tình huống trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trong nước và trên thế giới.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu. Các nước khu vực châu Á và một số nước sản xuất cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan vẫn đang đối phó với dịch COVID-19 nghiêm trọng. Từ đó, thêm cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu dành thị phần.
Điển hình là thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho thủy sản Việt Nam trên nhiều mặt hàng như tôm, cá tra, hải sản… Đặc biệt đối với tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch COVID-19.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định, Ấn Độ - đối thủ lớn nhất của Việt Nam về sản lượng và giá rẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng vì sự lây lan nhiễm COVID-19, ít nhiều tạo ra cơ hội cho ngành tôm Việt.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng của mặt hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực cho hay, thời vụ nuôi tôm của Việt Nam năm nay sớm, thời tiết thuận lợi nên khả năng nguồn nguyên liệu sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020. Các cường quốc nuôi tôm đang bị tác động của dịch COVID-19 có thể bị đứt gãy chuỗi cung ứng bất kỳ lúc nào và khả năng sẽ không có sự tăng trưởng về mặt hàng tôm ở nước này. Như vậy nguồn cung trên thế giới nhìn chung sẽ không tăng, điều đó tạo cơ hội cho Việt Nam.
Về cầu trên thế giới, tăng trưởng tự nhiên của mặt hàng tôm khoảng 5%/năm nhưng do dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng có xu thế tìm mặt hàng có giá cả phù hợp với tài chính của mình.
“Cung - cầu như vậy nên khả năng giá tôm sẽ tăng nhẹ. Khả năng Việt Nam sẽ tăng được lượng tiêu thụ tôm từ 5 - 7%”, ông Hồ Quốc Lực nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hồ Quốc Lực cho biết, người tiêu dùng cần những loại thực phẩm tiện lợi hơn trong chế biến. Do đó các sản phẩm phải đóng gói không quá lớn và chế biến sâu. Doanh nghiệp cần bán qua kênh phân phối, kênh bán lẻ không phải kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn..). Doanh nghiệp cũng cần tổ chức sản xuất để có giá thành vừa phải. Bản thân Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đang trên lộ trình và đã có những sản phẩm mới để đáp ứng được tình huống này.
Các doanh nghiệp khác cũng cho rằng, thị trường nhập khẩu Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản… thay đổi rõ rệt cũng khiến cho các doanh nghiệp chuyển hướng sang cung cấp phân phối đến tận các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Tuy có những tín hiệu tốt về thị trường nhưng xuất khẩu sẽ vẫn bị tác động bởi các gói cước vận chuyển và các chi phí đầu vào tăng ngoài khả năng kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, doanh nghiệp cần luôn đề cao giải pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), đồng thời có sự chuẩn bị, dự trữ các vật tư cần thiết cho các trại nuôi.
Với sự tăng trưởng của thủy sản trong thời gian vừa qua, ông Hồ Quang Lực cho rằng, các doanh nhân Việt đã linh hoạt, nhạy bén trong việc tìm kiếm thị trường nên thời gian vừa qua đã tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA), có tác dụng xúc tác, kích thích lớn nhất, tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu đi EU ngày càng nhiều.
Cùng với đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường Anh giàu tiềm năng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.
Tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang và tiếp tục làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Costa Rica…Với thị trường Trung Quốc, Cục Thú y tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm nay, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định 1,3 triệu ha, nhưng sản lượng đạt 4,75 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2020. Trong bối cảnh giá thức ăn thủy sản vẫn ở mức cao, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.
Các địa phương cần tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ cho chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức