Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2021 tới nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước trên thế giới và Việt Nam. Với quyết tâm nỗ lực vượt khó, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, các khâu then chốt về tổ chức sản xuất, chế biến, thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản; đạt được kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Hội nghị đã nghe các địa phương báo cáo tình hình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 và định hướng các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với tỉnh ta, qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 11 loại cây trồng chủ lực, phần lớn được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nhìn chung, việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn ổn định; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên giá thành nguyên liệu đầu vào năm 2021 có sự dao động nhẹ, tăng 5-10% so với năm 2020.
Trước những thách thức hiện nay, Bộ NN&PTNT đề ra kế hoạch trọng tâm. Theo đó, tập trung điều chỉnh linh hoạt sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông hàng hóa nông sản thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, bảo quản và xuất khẩu nông sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản. Các địa phương chủ động thành lập trung tâm thu mua nông sản cơ động, phát triển và nhân rộng hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ, giúp ổn định giá cả và đầu ra cho nông dân; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khác nhau có lợi thế bên cạnh thị trường truyền thống.
Hồng Lâm