(NTO) Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử tự do dân chủ của nước Việt Nam độc lập, lập ra Quốc hội dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về lá phiếu cử tri: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày Tổng tuyển cử”. (Hồ Chí Minh toàn tập – tập 10, trang 130-131- NXB CTQG-1996).
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, cử tri cả nước hăng hái đi bầu cử trong ngày Tổng tuyển cử và Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời cách đây 65 năm, thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, là niềm tin tưởng sâu sắc của Đảng đối với quần chúng cách mạng. Đó là biểu hiện khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 27 tháng 4 năm 1969, ngày bầu cử Hội đồng nhân dân khu phố khóa V (thành phố Hà Nội), Bác Hồ đến hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, làm nhiệm vụ công dân.
Trước khi vào phòng viết phiếu, thấy chị cán bộ trong Ban bầu cử đang ngồi “nhàn rỗi” tại một chiếc bàn, Bác hỏi:
- Bàn này là bàn gì?
- Thưa Bác, đây là bàn viết phiếu giúp ạ! Chị cán bộ lễ phép đáp.
Bác vui vẻ nói đùa:
Coi chừng các cô, các chú sẽ thất nghiệp đó !
Sau khi làm mọi thủ tục của một cử tri, Bác bỏ lá phiếu vào hòm, rồi ra khỏi phòng bầu cử.
Mọi người liền quây quần bên Bác, được gần và nghe được rõ lời Bác dạy. Bác tươi cười, thân mật nói chuyện với các cử tri có may mắn cùng một lúc đi bầu với Bác. Bác ân cần nhắc nhở bà con phát huy cao độ quyền làm chủ của mình để lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình đảm đương việc nước. Mọi người hãy tích cực tham gia bầu cử xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng vững mạnh. Bác căn dặn bà con Thủ đô ai nấy đều tự tay viết phiếu lấy chứ không nhờ người viết hộ. Như thế mới tiến bộ, mới văn minh. Bác còn kể cho bà con nghe câu chuyện năm nào Bác gặp một cụ già đi bầu cử Hội đồng nhân dân ở Hà Tây, cụ không biết chữ, phải nhờ người viết giúp. Bác khuyên cụ cố gắng học để lần sau đi bầu cử tự tay mình viết được trên lá phiếu. Nghe lời Bác, cụ đã khắc phục khó khăn, cố gắng học tập với tinh thần “Tuổi cao trí càng cao”. Và năm sau, cụ đã biết đọc, biết viết. Thư này chính tay cụ viết lên để chúc mừng Bác. Đến lần bầu cử sau, cụ đã biết đọc lá phiếu bầu và tự chọn người đại diện xứng đáng của mình.
Quốc Chính