“Tháng Nhân đạo” năm 2021: “Vì một cộng đồng an toàn” Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5/2021): “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức”

I. “THÁNG NHÂN ĐẠO” 2021

1. Chủ đề của “Tháng Nhân đạo” năm 2021 là “Vì một cộng đồng an toàn”

“Tháng Nhân đạo” năm 2021 bắt đầu từ ngày 01/5 đến ngày 31/5, cao điểm từ ngày 08/5 (Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) và được triển khai trên toàn quốc.

Sau 03 năm triển khai thí điểm (2018 - 2020), từ năm 2021, Ban Bí thư cho phép “Tháng Nhân đạo” chính thức được triển khai trên toàn quốc (Công văn số 12665-CV/VPTW ngày 30/7/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng).

Chủ đề của “Tháng Nhân đạo” năm 2021: “Vì một cộng đồng an toàn” nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch bệnh. Muốn vậy, mỗi cá nhân cần quan tâm chăm lo bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và toàn xã hội, hướng tới một cộng đồng có kiến thức, đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình diễn biến nghiêm trọng, khó lường của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, các cấp Hội Chữ thập đỏ đồng loạt tổ chức “Tháng Nhân đạo” với các hoạt động chính: i) Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tham gia trợ giúp cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; ii) Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hiến máu nhân đạo lồng ghép với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; iii) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai, thảm họa, kỹ năng sơ cấp cứu; iv) Tổ chức hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho cộng đồng, tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; v) Xây dựng hệ thống dữ liệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và kết nối với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo.

Cũng trong “Tháng Nhân đạo” 2021, toàn Hội đăng ký phấn đấu có ít nhất 75 công trình nhân đạo, khởi công xây dựng 75 nhà chống lũ (chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam); ít nhất 150.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp; ít nhất 10.000 địa chỉ nhân đạo được giới thiệu và được kết nối hỗ trợ thông qua hệ thống iNHANDAO; đỡ đầu 750 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2021, “Tháng Nhân đạo” tiếp tục được triển khai trên cả nước nhằm tiếp tục khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; góp phần từng bước thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác nhân đạo. “Tháng Nhân đạo” tạo phong trào thi đua làm công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; hướng tới chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2021).

2. “Tháng Nhân đạo”

"Tháng Nhân đạo" là tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo. Việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” hàng năm góp phần: i) Nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác nhân đạo; ii) Tạo phong trào thi đua làm việc thiện sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; iii) Đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực tại địa phương trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thí điểm tổ chức “Tháng Nhân đạo” (Công văn số 5875-CV/VPTW ngày 23/01/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới, từ năm 2018 đến năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai thực hiện “Tháng Nhân đạo” đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổng trị giá hoạt động trong “Tháng nhân đạo” của 03 năm thực hiện thí điểm đạt 1.691 tỷ đồng, vượt trên 150% so với bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm; trợ giúp 2.250.745 lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Qua 3 năm triển khai thí điểm, “Tháng Nhân đạo” đã được các cấp Hội, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ hưởng ứng và tham gia tích cực; thể hiện rõ vai trò nòng cốt của Hội; thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể và nhân dân tạo ra phong trào tương thân, tương ái rộng lớn chăm lo cho người nghèo nhất, khó khăn nhất; thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò của Chủ tịch danh dự Chữ thập đỏ các cấp và sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân; năng lực cán bộ Hội được nâng lên nhất là vai trò tham mưu và vận động nguồn lực; hoạt động truyền thông đã tạo được điểm nhấn có sức lan tỏa, kết nối được nhiều nhà tài trợ; phát huy mạnh mẽ vai trò và tiềm năng của lực lượng tình nguyện viên.

II. NGÀY CHỮ THẬP ĐỎ VÀ TRĂNG LƯỠI LIỀM ĐỎ QUỐC TẾ 2021

1. Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 2021: “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức”

Qua chủ đề này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế mong muốn thể hiện quyết tâm không lùi bước trước dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ cộng đồng có kiến thức, phương tiện tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh COVID-19. Theo thống kê cứ 12 người trên thế giới có 1 người nhận được sự hỗ trợ về tâm lý hoặc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội từ Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ.

Trong suốt gần 160 năm hoạt động, với sứ mệnh của mạng lưới nhân đạo lớn nhất toàn cầu, hàng triệu cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi để trợ giúp những đối tượng dễ bị tổn thương, hướng tới mục tiêu “Vì mọi người, ở mọi nơi”. Phong trào cam kết luôn mang sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp và kịp thời, không phân biệt đối xử tới các cộng đồng dễ bị tổn thương. Với các nguyên tắc cơ bản của Phong trào: “Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Thống nhất, Tự nguyện và Toàn cầu”, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang hoạt động vì cộng đồng tại 192 quốc gia, mỗi năm trợ giúp hơn 160 triệu người thông qua các hoạt động nhân đạo. Các tình nguyện viên và cán bộ của Hội Chữ thập đỏ/ Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia thực hiện nỗ lực hàng ngày để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với chủ đề “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức”, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế kêu gọi các Hội quốc gia chia sẻ những công việc, hoạt động đầy ý nghĩa của những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, đặc biệt là các hoạt động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 để những hành động đó được lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp, qua đó vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo, trở thành tình nguyện viên của Phong trào. Trên hành trình “Vì mọi người, ở mọi nơi” đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đảm nhận vai trò nòng cốt, đầu mối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, kết nối những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa đến với những người cần trợ giúp trong cộng đồng.

2. Lịch sử ra đời Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.

Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách "Ký ức về Solferino". Cuốn sách được hoàn thành năm 1862. Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách có tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt - chữ thập đỏ trên nền trắng - để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua. Năm 1864, Công ước đầu tiên (“Công ước Geneva”) được các quốc gia thành viên thông qua. Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu. Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế . Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

III. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG

1. Vì một cộng đồng an toàn

2. Xây dựng cộng đồng Đoàn kết - Nhân ái - Sẻ chia

3. Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi

4. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo

5. Sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng - An toàn cho mọi người

6. Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức

 TRUNG ƯƠNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

------------------

(3) Cần phân biệt giữa hai sự kiện sau đây:
* Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ra đời từ năm 1863 (đánh dấu bằng sự ra đời của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế). Năm 2021, chúng ta kỷ niệm 158 năm ra đời Phong trào (1863-2021).
*Ngày 08/5 - Ngày sinh của Henry Dunant - được lấy là Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế chính thức được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trong các tài liệu của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế từ trước đến nay chỉ đề cập đến ngày 08/5 là Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Chưa có tài liệu nào đề cập việc lấy mốc năm 1863 là năm ra đời của ngày 08/5. Do đó, trong các văn bản liên quan đến kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế từ nay đề nghị dùng thống nhất: "Kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế", tuyệt đối không viết là "Kỷ niệm 158 năm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5/1863-08/5/2021)".