Gói kích thích tài chính trị giá 5% GDP
Trong báo cáo vừa đưa ra cách đây vài ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ gói kích thích tài chính trị giá khoảng 5% GDP và chương trình nới lỏng tiền tệ. Do đó, GDP vẫn tăng trưởng ở mức 5,3% trong năm 2009 bất chấp sự tụt giảm đáng kể của nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu.
Sang năm 2010, đà tăng trưởng lên con số 6,8% nhờ vào nhu cầu trong và ngoài nước tăng mạnh. Nếu các chính sách kinh tế vĩ mô đi đúng hướng, triển vọng cho năm 2011 rất khả quan. IMF nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á. Trong năm 2010, tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% nhờ nhu cầu cả trong và ngoài nước tăng.
Trước đó, ngày 11-4, báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2011 của IMF dự báo lạm phát Việt Nam năm 2011 ở 13,5%. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà hoạch định thực thi thành công các chính sách kinh tế vĩ mô vừa đưa ra, lạm phát có thể chỉ dừng lại ở một con số là 9,5% trong năm nay.
IMF: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á.
Chính sách ổn định kinh tế phù hợp
Theo báo cáo của WB vừa công bố tháng trước, với việc ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã nhất trí đưa ra các biện pháp mạnh để khôi phục lại ổn định kinh tế vĩ mô.
Một báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) mới đây nhận xét, bất chấp những khó khăn hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng ổn định, 6,8% trong năm 2010 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức trung bình 7% hàng năm trong giai đoạn 2011 – 2015, với lực đẩy từ tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ.
Ngoài ra, EIU cũng cho rằng dù xuất hiện những lo ngại xung quanh môi trường kinh doanh của Việt Nam, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn ở mức vững chắc. Sau khi sụt giảm trong năm 2009, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trở lại trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2011 – 2015.
Báo Businessweek (Mỹ) mới đây đăng bài nhận định cho rằng, các nhà đầu tư rất quan tâm tới mục tiêu từ nay đến năm 2020, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7-8%/năm và tăng gần gấp 3 thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 USD. Ông Yougesh Khatri, nhà kinh tế cấp cao thuộc Công ty Nomura Holdings Inc. tại Singapore, cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất hợp lý.
Theo SGGP Online