Nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”
Nhìn lại năm học 1975-1976, toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có khoảng 30.000 HS các cấp học phổ thông, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều lớp còn tranh tre nứa lá, học nhờ trong các cơ sở đình, chùa, nhà kho hợp tác xã. Đến năm học 1992-1993, toàn tỉnh có 206 đơn vị trường học với 3.155 giáo viên giảng dạy cho 82.040 HS các cấp. Hoạt động dạy và học ở thời điểm này vẫn trong điều kiện thiếu thốn về phòng ốc, HS phải học nhờ, học tạm, học ca ba.
Trường Tiểu học Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trước những khó khăn đó, sau ngày tái lập tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tranh thủ nguồn lực hàng ngàn tỷ đồng đầu tư kiên cố hóa trường lớp. Tính riêng giai đoạn 2008-2012, trung ương hỗ trợ cho tỉnh 375,6 tỷ đồng xây dựng mới 1.853 phòng học và 522 phòng công vụ theo đề án kiên cố lớp học và nhà công vụ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Đến giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh xây dựng mới 134 phòng học vốn đầu tư trên 85 tỷ đồng và đầu tư trên 17 tỷ đồng mua sắm thiết bị học tập, sinh hoạt cho HS các xã vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời tỉnh ta huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (cơ sở 2) trị giá 197 tỷ đồng trên diện tích 3 ha tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà.
Thành tựu ghi dấu đáng tự hào trong sự nghiệp “trồng người” tỉnh nhà là mạng lưới trường mầm non và tiểu học được đầu tư xây dựng đến địa bàn thôn, khu phố. Hệ thống trường THCS xây dựng đến từng xã, liên xã và trường THPT được xây dựng đến địa bàn 7 huyện, thành phố, chấm dứt tình trạng học nhờ, học ca ba. Nhiều huyện đầu xây dựng 2-3 trường THPT như: Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam được Nhân dân phấn khởi động viên con em đến trường tích cực học tập. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh thu hút đông đảo HS tham gia học tập như Trường Hội nhập Quốc tế iSchool; Trường Liên cấp Hoa Sen; các trung tâm ngoại ngữ Let’s Learn, Ngọc Vân. Hội Khuyến học vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục tỷ đồng giúp hàng ngàn HS nghèo học giỏi có điều kiện đến trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Tính đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 10.449 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho 142.815 HS các cấp học thuộc 309 đơn vị giáo dục; tăng trên 60.775 HS và tăng 103 trường học so với năm học đầu tiên tái lập tỉnh.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học Ảnh: Văn Nỷ
Trong truyền thống nền giáo dục tỉnh ta có nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh như: Đỗ Trần Kim Trinh, đỗ thủ khoa Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (năm 2004); Hồ Thị Ánh, đỗ thủ khoa khối B Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (năm 2005); Phan Ngọc Anh, đỗ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (năm 2007); Nguyễn Thanh Thảo, đỗ á khoa hai trường đại học là Y Dược và Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (năm 2009). Tính riêng trong năm học 2020-2021, tỉnh ta có 15 HS THPT đoạt giải kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, trong đó môn Tiếng Anh đoạt giải Nhất; Ninh Thuận là 1 trong 26 đơn vị của cả nước có HS đoạt giải Nhất. Điều đó cho thấy số lượng và chất lượng giáo dục tỉnh nhà ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay. Ninh Thuận có nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh đạt thành tích xuất sắc ở các trường đại học trên thế giới. Trong đó có những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng như: Dương Anh Vũ xác lập 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật, được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Leeds (Vương quốc Anh); Châu Thanh Vũ, tốt nghiệp hạng danh dự tại Đại học Princeton và được 8 trường đại học tại Hoa Kỳ cấp học bổng toàn phần, là nghiên cứu sinh kinh tế tại Đại học Harvard; Lê Huyền Thảo Uyên, tốt nghiệp Thạc sĩ trở thành giảng viên bộ môn Toán giải tích tại Trường Đại học West Virginia (Hoa Kỳ); Nguyễn Hữu Cát Thư được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành kỹ sư chế tạo của Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ)...
Thầy giáo Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thành tựu qua 46 năm giải phóng quê hương và qua 29 tái lập tỉnh là rất đáng tự hào đối với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Trong thời gian tới, toàn ngành thi đua thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học và nâng chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. Tập trung triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học tạo nền tảng; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS. Phấn đấu đến năm 2025 có 65% số trường phổ thông và 30% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; duy trì, nâng chất lượng các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đồng thời thi đua thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Toàn ngành triển khai quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Ninh Thuận.
Sơn Ngọc